Giảm cước di động: Có cần bảo vệ nhà mạng?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:28, 18/07/2014

Kiến nghị xin giảm cước thoại di động với việc đưa giá cước ngoại mạng về bằng nội mạng của Viettel hôm 7/7 tiếp tục nóng bỏng trở lại khi các tính toán mới đây cho thấy, nếu được chấp thuận, chỉ riêng Viettel cũng có thể mất trắng cả nghìn tỉ đồng.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.


Lạ lùng bán dưới giá thành

Sở dĩ thông tin trên được dư luận đặc biệt quan tâm là bởi, cước ngoại mạng hiện vẫn cao hơn tới 12,6% so với cước nội mạng và dĩ nhiên nếu kiến nghị giảm cước được thông qua, sẽ có hơn 120 triệu thuê bao cả nước được hưởng lợi. Một tính toán cho thấy, với 54 triệu thuê bao và trong trường hợp kiến nghị được Bộ TT&TT thông qua, doanh thu hàng tháng của hãng Viettel có thể sụt giảm xấp xỉ 80 tỉ đồng. Điều lạ lùng là, để có thể được cơ quan quản lý thông qua, toàn bộ các nhà mạng vừa được yêu cầu phải báo cáo giá thành dịch vụ di động và kiến nghị giảm cước sẽ chỉ được thông qua nếu nhà mạng chứng minh không bán dưới giá thành.

Yêu cầu này được đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra ngay sau đề xuất của Vietel và trên thực tế, việc yêu cầu các mạng di động lớn phải bán cước thoại không dưới giá thành là cần thiết nhằm đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh, tránh chuyện “cá lớn nuốt cá bé”. Hơn nữa với việc chiếm tới gần 50% thuê bao điện thoại của cả nước, việc Viettel giảm cước chắc chắn sẽ dẫn tới hiệu ứng dây chuyền trên thị trường. Tuy nhiên giới chuyên gia khẳng định, ở thời điểm hiện này, Viettel khó có “cửa” bán dưới giá thành với cước thoại. Bởi dù xu hướng dịch vụ chuyển kinh doanh từ SMS và thoại sang data (dữ liệu) đang diễn ra, doanh thu chính của tất cả các mạng di động trong nước hiện vẫn đến từ thoại và SMS. Do đó, nếu bán dưới giá thành dịch vụ đang đem lại doanh thu lớn nhất cho mình, nhà mạng chắc chắn sẽ phá sản. Cũng vì thế, nếu điều kiện giảm cước là không bán dưới giá thành, chắc chắn Viettel sẽ được thực hiện.

Ai hưởng lợi?

Một “mối lo” khác là các mạng di động khác sẽ ra sao nếu cước giảm và doanh thu của họ bị ảnh hưởng? Nếu tính chính xác, trên thị trường hiện nay còn 5 mạng di động gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, và Gmobile. Thị trường di động Việt Nam được WB đánh giá là có mức độ cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, cước di động của các mạng lớn đều đứng yên, không có sự thay đổi còn xu hướng chuyển dịch công nghệ từ thoại sang data đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, nếu theo logic thông thường, xu hướng này sẽ đi kèm với việc giảm cước thoại và nếu cứ giữ cho cước thoại đứng yên trong khi xu hướng chung là cần giảm xuống, người được lợi lớn nhất vẫn là các mạng di động chứ không phải người tiêu dùng.

Trên thực tế, khi giảm cước di động, các mạng di động đều phải đối mặt với việc suy giảm doanh thu. Tuy nhiên, phía bên kia của giảm cước là cơ hội kích cầu tiêu dùng và khả năng tìm thấy những hướng đi của dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu phát triển chuyển từ thoại sang data. Trong một cuộc hội thảo do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nói: “Điều quan trọng cần thực hiện trong một thị trường viễn thông cạnh tranh không phải là bảo vệ người chơi (các mạng di động) mà là hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam. Cũng vì thế, những hành động làm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng cần được ủng hộ chứ không phải là cân nhắc về việc nhà mạng bị ảnh hưởng ra sao”.

Theo Văn Nguyễn