Đầu tư nước ngoài tăng mạnh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 18/07/2014

(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm nay, các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) đã thu hút gần 265 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ban quản lý Hepza, đơn vị này đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI.


Dệt may "hút" vốn ngoại

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư của Hepza cho biết, tính đến ngày 30-6, tổng vốn đầu tư vào Hepza là 333,47 triệu USD, đạt 60,63% kế hoạch năm 2014. Trong đó, đầu tư trong nước đạt hơn 1.447 tỷ đồng (tương đương 68,8 triệu USD) tăng 1,2% so với cùng kỳ; nguồn vốn FDI đạt gần 265 triệu USD, tăng 80,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may là lĩnh vực đang thu hút nhiều vốn FDI.



Vốn đầu tư FDI đến nhiều nhất lần lượt từ các quốc gia British Virgin Islands, Samoa, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản… Dệt may là lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất với gần 83% tổng vốn đầu tư, tiếp đó lần lượt các ngành nghề khác là nhựa, cao su gần 8%, cơ khí gần 5%, thuốc lá hơn 4%, điện tử và dịch vụ chiếm chưa đến 0,1%. Các lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm gần 71% tổng vốn thu hút mới trong và ngoài nước như Công ty TNHH Worldon Việt Nam đầu tư 140 triệu USD cho dự án sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp; Công ty TNHH Sheico Việt Nam đầu tư 50 triệu USD cho dự án sản xuất dệt vải cao cấp. Một số dự án có hàm lượng công nghệ cao khác là dự án sản xuất các chi tiết điện tử của Công ty TNHH Cơ khí chính xác Merrimack River, dự án sản xuất mô tơ điện của Công ty TNHH Terra Motors Việt Nam, dự án sản xuất linh kiện điện tử dùng trong thiết bị điện tử dân dụng của Công ty TNHH Arirang Việt Nam.

Lý giải lý do các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào ngành dệt may, ông Trần Việt Hà cho rằng, dự báo thị trường dệt may toàn cầu tăng trưởng 3,5% cùng với việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dệt may cao cấp. Cũng theo ông Hà, hiện còn nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may của các nước đang làm việc với Hepza để đầu tư vào các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) ở TP Hồ Chí Minh.

Tính đến hết tháng 6-2014, tại Hepza có 1.302 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 8,078 tỷ USD. Trong đó, có 519 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký là 4,94 tỷ USD; 783 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương 3,137 tỷ USD. Hiện có 1.068 dự án đang hoạt động, 24 dự án đang xây dựng cơ bản, 78 dự án chưa triển khai, 6 dự án ngưng hoạt động, 38 tạm ngưng hoạt động, 28 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể. Tổng số lao động đang làm việc tại các KCN - KCX của thành phố là 271.868 lao động. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong hai quý đầu năm 2014 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư

Theo đại diện của Hepza, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng xây sẵn có tác động tích cực đến hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 19 dự án có vốn FDI được cấp mới trong 6 tháng qua có 13 dự án chủ đầu tư đã chọn thuê nhà xưởng có sẵn vào hoạt động ngay. Chính vì vậy, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống nhà xưởng xây sẵn, đáp ứng nhu cầu hoạt động ngay của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện Khu kỹ nghệ Việt Nhật ở KCN Hiệp Phước đang được đẩy mạnh tiến độ xây dựng, dự kiến tháng 10-2014 đưa vào hoạt động khu văn phòng và khu nhà xưởng đầu tiên. Các KCN khác cũng tập trung đầu tư xây hệ thống nhà xưởng như chủ đầu tư KCX Tân Thuận đang tiến hành kế hoạch xây khu nhà xưởng cao tầng (5-8 tầng); Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc trong tháng 8 này cũng khởi công dự án nhà xưởng xây sẵn tại KCN Tân Phú Trung… Hepza cũng cho biết đang tiến hành thành lập các KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện, hai KCN đã có quỹ đất sẵn sàng là KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) với 597ha, KCN Lê Minh Xuân 3 diện tích hơn 231ha đã được quy hoạch xây dựng để thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học.

Đặng Loan