Bài cuối: Tái cơ cấu - Khó cũng phải làm
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 18/07/2014
Suy cho cùng, việc tìm hiểu bằng được thương lái nước ngoài thu mua những thứ lạ đời để làm gì là việc phải làm vì lợi ích quốc gia. Nếu họ mua thuần túy để sử dụng mà ta có lợi thì ta có kế hoạch hợp tác đàng hoàng, còn nếu vì mục đích bất lợi cho Việt Nam thì phải có đối sách ứng phó...
Thương lái nước ngoài vẫn thu mua rong mơ nhưng chính quyền các xã và cả huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn không có thông tin gì về việc này. |
Hệ thống quản lý lỏng lẻo
Sau gần ba tuần đi dọc từ Bắc vào Nam thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là hoàn toàn chính xác. Chuyện thương lái Trung Quốc thu mua các mặt hàng "dị biệt" thực chất chỉ là cách gây nhiễu, "thổi giá" nhằm kiếm lời. Để làm được việc này, họ đã tạo ra nguồn cung cầu ảo và cung ở đây là mặt hàng không có giá trị thực. Có mấy người nông dân biết con đỉa được dùng để làm gì, tại sao họ lại thu mua móng trâu bò, lá điều khô, cành cây phong ba... Có thể thấy, những mặt hàng này toàn thứ bỏ đi, không có giá trị về mặt dinh dưỡng, càng không có giá trị về mặt thẩm mỹ, nhưng tại sao thương lái nước ngoài vẫn mua? Thực chất, đây là cách thao túng thị trường. Khi đã đẩy giá lên đến đỉnh điểm, thương lái nước ngoài dùng chính số hàng thu gom được bán lại cho nông dân nước ta, rồi biến mất khỏi thị trường Việt Nam. Để làm rõ thủ đoạn này, nhóm phóng viên đã làm việc với Chi cục Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh thì được lãnh đạo các chi cục xác nhận toàn bộ số hàng "dị biệt" mà thương lái Trung Quốc đã thu mua đều chưa làm thủ tục thông quan và đây là thủ đoạn mua bán lòng vòng kiểu "mỡ nó rán nó".
Nhìn lại các thương vụ thương lái nước ngoài gây điêu đứng cho người nông dân, có thể thấy hệ thống quản lý của chúng ta còn quá lỏng lẻo. Người nước ngoài đến tùy tiện mua bán, thoải mái hoành hành trong khi vai trò của các cấp chính quyền lại quá mờ nhạt. Ở Quảng Ngãi, có địa phương người nông dân nhổ hết cây rau màu đi để trồng ớt theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp tư nhân. Thu mua được 1 - 2 vụ, doanh nghiệp này biến mất, hậu quả là nông dân điêu đứng. Nhóm phóng viên hỏi chính quyền huyện, xã rằng doanh nghiệp này ở đâu thì không một ai biết. Họ bảo "doanh nghiệp trực tiếp đàm phán với nông dân"(!?). Vụ khai thác, thu mua giun biển vừa xảy ra ở Thừa Thiên Huế cũng vậy. Báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực, cuối cùng Chi cục Quản lý nguồn lợi thủy sản tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo các địa phương có kế hoạch ngăn chặn nạn khai thác, thu mua giun biển. Vậy nhưng, khi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô vẫn thản nhiên cho rằng: "Chúng tôi chưa nhận được văn bản. Mà việc đào giun cũng đơn giản thôi, xới một lượt cát là bắt được giun, thủy triều lên, các hố đào bới này lại bằng phẳng"(!).
Qua thực tiễn, chúng tôi thấy rằng hệ thống các cấp chính quyền đang rất thờ ơ, thậm chí là vô cảm trước những hành động phá hoại kinh tế của thương lái nước ngoài. Hiện tượng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nên không thể nói rằng chúng ta không kịp trở tay. Ở trung ương có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ở tỉnh có các sở, ngành; dưới quận, huyện có phường, xã và các trung tâm khuyến nông nhưng thực tế người nông dân đang "đơn thương độc mã". Rất ít khi các đơn vị này chủ động đưa ra các biện pháp ngăn chặn, hoặc đưa thông tin cảnh báo giúp người nông dân phòng tránh rủi ro. Cùng với đó, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn chỉnh, thiếu các quy định về hoạt động mua bán của người nước ngoài tại Việt Nam và đó là kẽ hở để thương lái nước ngoài thao túng thị trường.
Ông Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, việc thương lái nước ngoài thu mua những thứ nông sản lạ thường không nhằm mục đích kinh doanh thuần túy. Các hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân bằng, gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tạo ảnh hưởng xấu đến các thương hiệu thương mại của Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải sớm có biện pháp đối phó, kiểm soát và xử lý.
Tái cơ cấu phải "thấm" đến từng hộ dân
Có thể thấy vô số những "vết thương" từ các thương vụ "chớp nhoáng" do thương lái Trung Quốc gây ra ở nhiều địa phương mà phải mất rất nhiều năm sau chưa chắc đã khắc phục được hậu quả. Tuy nhiên, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Để xảy ra tình trạng thương lái nước ngoài rong ruổi sục sạo, khắp đất nước, ngang nhiên lừa gạt người dân, phần lỗi trước hết thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Chính những kẽ hở trong quản lý lâu nay đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho thương lái nước ngoài làm loạn thị trường.
Trong quá trình tác nghiệp thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi nhận thấy sở dĩ nền nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự tự chủ, bền vững và liên tục bị thương lái Trung Quốc thao túng, "thổi giá" là bởi 3 nguyên nhân: Thứ nhất, phản ứng của các bộ, ngành trước những chiêu trò "lạ" của thương lái Trung Quốc rất chậm và thiếu quyết liệt. Chính vì vậy họ mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ và người nông dân vẫn bị lừa như thường. Thứ hai, chính quyền địa phương thiếu cảnh giác, thờ ơ, vô cảm với những gì đang xảy ra ngay chính tại địa bàn mình quản lý. Và thứ ba, người dân ít được tuyên truyền cũng như cảnh báo nên hám lợi, cả tin, tự mình làm hại mình.
Cũng cần nói thêm, thực trạng của ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam cho thấy, mối quan hệ giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước còn một khoảng cách khá xa. Doanh nghiệp không liên kết tổ chức sản xuất với nông dân, họ chỉ mua những thứ mà họ có nhu cầu. Nông dân không thể tự sản xuất, tự chế biến và tìm kiếm thị trường. Còn Nhà nước chưa tổ chức được chuỗi giá trị nông sản. Chính bởi vậy, lâu nay việc tổ chức tiêu thụ nông sản vẫn theo kiểu chắp vá. Người nông dân luôn trong vòng lẩn quẩn "được mùa - rớt giá, được giá - mất mùa". Đây chính là rào cản khiến ngành nông nghiệp nước ta dễ bị tổn thương bởi những tác động của thị trường mang tính "ngoại lai", mà cụ thể ở đây là vấn đề xuất, nhập khẩu nông sản. Để giải quyết dứt điểm thực trạng này, Bộ NN&PTNT cần có ngay các giải pháp nhằm ổn định thị trường, phản ứng tích cực và quyết liệt với những chiêu trò mà thương lái nước ngoài đã, đang và sẽ gây hại cho nền nông nghiệp Việt Nam. Đơn vị, địa phương nào thờ ơ, vô cảm để xảy ra tình trạng thương lái tự do thao túng, "thổi giá" xảy ra trên địa bàn thì lãnh đạo cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, bổ sung các quy định trong hoạt động mua bán của người nước ngoài tại Việt Nam, các bộ, ngành cần chủ động tìm kiếm đối tác và thị trường tin cậy, hướng dẫn ký kết hợp đồng tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt tháng 6-2013.
Tuy nhiên, để tái cơ cấu nông nghiệp là bài toán không hề đơn giản bởi hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của ta phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, như thanh long 90%, sắn 86%, lúa gạo và cao su khoảng 40%. Chính vì thế, những tháng vừa qua lượng cao su xuất sang Trung Quốc đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù không đơn giản nhưng những gì đã đặt ra trong thực tế thời gian qua đã cho thấy dù khó khăn đến mấy chúng ta vẫn phải quyết tâm làm như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định: "Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành. Song Bộ trưởng cũng thừa nhận, dù đang xây dựng tới 12 đề án, nhưng một số đơn vị dường như vẫn còn lúng túng, băn khoăn, chưa biết thực sự tái cơ cấu là cái gì? Theo Bộ trưởng, tái cơ cấu chỉ thực hiện được khi nó "thấm" đến từng hộ nông dân và các địa phương. Nhưng làm như thế nào để đề án tái cơ cấu "thấm" đến các vùng nông thôn, đến từng hộ gia đình nông dân, chứ không phải chỉ ở trụ sở của Bộ thì cần phải có kế hoạch, chủ trương, quy hoạch cụ thể.