Nói “không” với amiăng!

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 18/07/2014

Trung bình mỗi năm thế giới có 107.000 người chết, hơn 1,5 triệu người mắc các bệnh liên quan đến amiăng * Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới

Amiăng được xếp vào nhóm 1 các chất gây ung thư

Phân tích tác hại của amiăng đối với sức khỏe con người, TS Nasir Hassan, chuyên gia về sức khỏe môi trường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, ước tính amiăng gây ra nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tác hại tiềm tàng của chất này không chỉ trên sức khỏe của người lao động mà còn cả với những người sinh sống tiếp xúc với amiăng. Trung bình mỗi năm, trên toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người mắc các bệnh có liên quan đến amiăng như: Ung thư phổi, bụi phổi…

Tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp amiăng khá nhiều. (Ảnh: TTXVN)


Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, amiăng là chất độc hại trong danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. WHO và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế đã đưa ra khuyến cáo, amiăng là một chất có khả năng gây ung thư và các bệnh về phổi. Tiếp xúc với amiăng lâu dài có thể gây xơ hóa phổi; canxi hóa màng phổi; ung thư phổi, màng phổi, đặc biệt là ung thư trung biểu mô. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn từ 2010 đến 2011 cũng chứng minh, Việt Nam đã có nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô, cụ thể có 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng. Nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian càng dài thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn.

Về tính độc hại của vật liệu này, GS Ken Takahashi, Giám đốc Trung tâm Hợp tác với WHO về sức khỏe nghề nghiệp cho biết, sau hơn 40 năm nghiên cứu tất cả các loại amiăng, từ năm 1972 Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới căn cứ trên kết quả của hàng trăm nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới và đã kết luận có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Cũng theo các nghiên cứu khoa học, sự gây hại của amiăng không phải tức thì, mà tùy loại bệnh, thường xuất hiện sau 10 đến 20 năm, thậm chí 30 năm sau khi tiếp xúc. Người lao động thường phát hiện bệnh khi đã nghỉ hưu.

Còn theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, mỗi năm Việt Nam có trên 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Trong các loại bệnh ung thư tại Việt Nam, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ mắc ung thư đang tăng dần theo thời gian. Gánh nặng kinh tế của thuốc điều trị ung thư trong một năm chỉ tính riêng Bệnh viện K lên đến 1.621 tỷ đồng.

Tiến tới cấm sử dụng

Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, mà cả WHO và ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới. Theo số liệu điều tra của cơ quan địa chất Mỹ, từ năm 2000, trung bình, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 60.000 tấn amiăng/năm và trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng. Bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, có khoảng trên 3.000 sản phẩm thương mại sử dụng amiăng như: Tấm lợp A-C, tấm cách âm, phanh ô tô, trong khai thác mỏ, thi công, đóng tàu thủy, phá dỡ hoặc cải tạo các công trình kiến trúc có sử dụng vật liệu amiăng. Một lo ngại khác, hiện nhiều gia đình ở nông thôn, mái nhà làm bằng tấm fibroximăng, lại có thói quen hứng nước mưa dưới mái nhà sử dụng, điều này rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, mới đây, tại Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương khi Nhà máy Thiên Lộc đang chạy thử dây chuyền tấm lợp fibroximăng, hàng trăm người dân nơi đây đã phản đối. Theo thống kê sơ bộ, đã có 20 người chết và 6 người đang mắc ung thư hầu hết những người này đều sống cạnh nhà máy. Một mối lo ngại khác, hiện 2 công ty ở Việt Nam có thời gian sản xuất tương đối dài trong ngành tấm lợp là Công ty Tấm lợp - VLXD Đồng Nai (thành lập năm 1963) và Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và VLXD Đông Anh Hà Nội (thành lập 1980). Trong đó, tỷ lệ người lao động tiếp xúc với amiăng có tuổi nghề từ 16 năm trở lên chiếm đến trên 48%.

Vì sức khỏe và quyền lợi của người dân, Bộ KH&CN cũng đề nghị cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế amiăng. Dù sớm hay muộn, dù muốn hay không, chắc chắn Việt Nam cũng phải theo xu hướng thế giới, tiến đến không sử dụng amiăng trong sản xuất. Tuy nhiên, trước mắt cần có điều tra, phát hiện sớm các bệnh liên quan đến amiăng, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư thanh quản, u trung biểu mô, từ đó đưa tất cả các loại bệnh có liên quan đến amiăng vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.

Thu Trang