Vì sao 4 huyện “trắng” nông thôn mới?
Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 18/07/2014
Mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội đã yêu cầu các huyện này có báo cáo giải trình cụ thể về những tiêu chí chưa đạt, những khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí đó và đưa ra hướng giải quyết đến hết năm 2014 để xã hoàn thành xây dựng NTM.
Cứng hóa kênh mương bằng bê tông đúc sẵn ở huyện Phúc Thọ - một cách làm sáng tạo trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. |
Ngổn ngang khó khăn
Thị xã Sơn Tây có 6 xã xây dựng NTM. Sau hơn 3 năm triển khai đã đạt được những kết quả bước đầu với hơn 137km đường làng ngõ xóm được xây mới và sửa chữa (chiếm 86% tổng số kilômét đường); 16km đường trục nội đồng được cứng hóa, cải tạo và nâng cấp; 3 vai đập, 4 trạm bơm được nâng cấp bảo đảm thủy lợi cho sản xuất... Thị xã cũng đã huy động doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp bằng tiền và hiện vật tham gia xây dựng NTM được 23,4 tỷ đồng/740 tỷ đồng tổng kinh phí xây dựng NTM của toàn thị xã. Tuy vậy, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn bộn bề khó khăn. Đáng chú ý, dù chỉ có 6 xã xây dựng NTM nhưng đến nay thị xã vẫn chưa có xã nào về đích, kể cả xã điểm Sơn Đông theo kế hoạch sẽ hoàn thành xây dựng NTM hết năm 2012.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Hà Văn Đông phân trần, xuất phát điểm xây dựng NTM của các xã ở thị xã Sơn Tây thấp; cơ sở vật chất của các xã yếu kém nên khi tiến hành xây dựng NTM cần phải đầu tư nhiều mới đáp ứng được theo tiêu chí. Hiện các tiêu chí không cần nhiều vốn đều đã được triển khai và hoàn thành; các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo... đều là các tiêu chí đòi hỏi nhiều kinh phí. "Theo quy định xã đạt chuẩn NTM tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng số hộ của xã. Tuy nhiên, hiện số hộ nghèo bình quân toàn thị xã là 3,68%, trong đó số hộ nghèo ở 6 xã xây dựng NTM là 4,4%; chiếm 2,4% trong số đó là "hộ nghèo bền vững". Đây là đối tượng không có khả năng thoát nghèo do ốm đau bệnh tật, người già neo đơn không có sức lao động - ông Hà Văn Đông cho biết".
Cùng với Sơn Tây, huyện Phú Xuyên cũng "trắng" xã NTM. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ cho biết, xã điểm Đại Thắng dù đã có 18/19 tiêu chí đạt, đời sống người dân đã đổi thay lớn từ khi xây dựng NTM nhưng vẫn còn 1 tiêu chí là trường học chưa đạt. Hiện trường học cả 3 cấp do xã quản lý đều chưa đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn. Đây cũng chính là "điểm liệt" làm cho Đại Thắng không đạt xã NTM. Tiêu chí trường học cũng là khó khăn chung của các xã trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Tại xã Văn Hoàng, đến nay ngoài tiêu chí trường học, các tiêu chí còn lại đều đã cơ bản đạt chuẩn NTM. Tuy chỉ còn 1 tiêu chí nhưng để đạt chuẩn cần số tiền tới 20 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và cải tạo hạ tầng trường học. Ngoài nguồn vốn lớn, cũng cần có thời gian từ khâu chuẩn bị thiết kế đến thi công để hoàn thành và thời gian ngành chức năng kiểm tra công nhận trường chuẩn nên nhanh nhất cũng phải 2 năm xã Văn Hoàng mới có thể hoàn thành tiêu chí trường học trong chuẩn NTM. Ngoài ra, sau việc dồn điền đổi thửa, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng đã đào đắp mới nhưng chậm được cứng hóa cũng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, bởi sau những trận mưa lớn đường mương rất dễ bị sụt sạt.
Đâu là nguyên nhân?
Những khó khăn trong xây dựng NTM ở 2 huyện, thị xã trên cũng là khó khăn chung của cả 4 địa phương còn đang "trắng" NTM trên địa bàn TP Hà Nội. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ cho rằng, việc đấu giá đất trên địa bàn huyện Phú Xuyên gặp nhiều khó khăn nên thiếu vốn cho xây dựng NTM. Trong khi đó, vẫn còn nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chưa sát với nhu cầu thực tế. Đơn cử như việc xét công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, theo quy định của ngành giáo dục, mỗi xã phải có một trường mầm non trung tâm. Tuy nhiên, trước đây, mỗi thôn đều đã có một điểm trường. Việc đặt điểm trường tại thôn sẽ phù hợp với điều kiện thực tế ở nông thôn để trẻ tiện đến lớp. Nếu tiếp tục xây thêm trường mầm non trung tâm là không cần thiết vì phải cần một nguồn vốn lớn hàng chục tỷ đồng, vô hình trung sẽ tạo sức ép cho địa phương trong khi các công trình dân sinh thiết yếu khác hoặc đầu tư vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân sẽ thiết thực hơn nhiều.
Đối với huyện Mỹ Đức, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Chủ tịch UBND xã Phùng Xá (xã điểm NTM) Nguyễn Văn Kiên cho biết, nếu vẫn chưa bố trí được nguồn vốn, thì đến hết năm 2014, việc xây dựng NTM ở địa phương cũng không thể hoàn thành...
Rõ ràng, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn TP Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Các huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM cũng có những khó khăn chung với khó khăn của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan bởi ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, việc đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều nơi không hoàn thành theo kế hoạch thì còn có nguyên nhân. Đó là sự chỉ đạo, điều hành Chương trình 02 của một số xã, huyện còn lúng túng, chưa sâu, sát, chưa tìm được hướng đi hiệu quả.
Việc lựa chọn công trình, dự án đầu tư chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm dẫn đến dàn trải, kém phát huy hiệu quả xây dựng NTM. Vì vậy cần nhìn nhận, phân tích đúng thực trạng để đề ra các giải pháp, cách thực hiện bài bản, căn cơ giúp các địa phương sớm xóa được điểm "trắng" trong NTM.