Vĩnh biệt một tâm hồn, một nhân cách, một tài năng lớn!
Chính trị - Ngày đăng : 05:52, 18/07/2014
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi vòng hoa tới viếng nhà văn Tô Hoài. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, cùng đoàn cán bộ Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tới viếng, chia buồn cùng gia quyến nhà văn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng Đoàn lãnh đạo thành phố viếng nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Trần Hà |
Mưa trắng trời, kéo dài suốt gần 3 tiếng trong sáng 17-7 nhưng không ngăn được những người yêu mến cây bút Tô Hoài tới tiễn đưa "ông Dế Mèn" về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hiện diện trong lễ tang cây đại thụ của văn nghệ nước nhà là rất nhiều thế hệ văn nghệ sĩ và gia đình của nhiều cố nhà văn, nhà văn hóa, nghệ sĩ lớn của đất nước. Lão họa sĩ Phan Kế An đã ngoài 90, đôi bàn tay từng cầm cọ, đôi bàn chân từng đi khắp các vùng miền của đất nước nay đã run run nhưng vẫn đến tiễn biệt nhà văn Tô Hoài. Ngồi bên ông trong cái ngày mưa xối xả đưa tang bạn ông còn có gia đình nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Ngọc Phan, Nam Cao, Nguyễn Quang Sáng, Kim Lân… Đại diện các nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc, trong đó có rất nhiều gương mặt biên tập viên từng lớn lên bên những trang văn của Tô Hoài, cũng đã đội mưa tới nhìn ông lần cuối. Đặc biệt xúc động khi các em thiếu nhi mang theo hình bìa tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" có mặt suốt lễ tang nhà văn.
Sống dậy trong ký ức những người ở lại hình ảnh sắc nét về một tâm hồn, một nhân cách, một tài năng lớn mang tên Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại, trong một gia đình thợ thủ công. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài là từ ghép hai địa danh gắn liền với tuổi thơ và tuổi trưởng thành ở quê hương ông: Sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức. Tuổi thanh niên của ông đã được thử thách qua nhiều nghề, để tự học và tự rèn luyện trước khi trở thành nhà văn.
Trong cả thâm niên công tác hơn nửa thế kỷ, nhà văn Tô Hoài đã cống hiến trên 40 năm ở các cơ quan trung ương và trên 10 năm ở các cơ quan Hà Nội, 68 năm tuổi Đảng, trong đó có 8 năm hoạt động tiền khởi nghĩa (trước 1945). Với thành tích công tác tận tụy và liên tục cống hiến trên nhiều lĩnh vực, nhà văn Tô Hoài đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
Với tư cách người sáng tác VHNT, ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.
Quả thực, nhà văn Tô Hoài là nhân chứng lịch sử của cách mạng Việt Nam ngay từ thuở đầu lập nước. Ông là nhân chứng của những đổi thay, chuyển dịch sâu sắc trong tâm hồn, đời sống con người nhiều vùng miền và đặc biệt là Hà Nội qua nhiều thăng trầm lịch sử. Ông là nguồn cảm hứng và động lực bước vào nghề một cách chân chính của nhiều thế hệ nhà văn. Ông giống như một gạch nối sống động giữa hiện tại hôm nay và quá khứ. Vì vậy, sự ra đi của nhà văn Tô Hoài để lại khoảng trống tinh thần mênh mông trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà.
Điếu văn tiễn đưa nhà văn Tô Hoài bày tỏ: "Xin cảm ơn nhà văn Tô Hoài, một nhà văn hóa lớn, nhà hoạt động xã hội uy tín, một công dân Thủ đô ưu tú. Những gì ông đã sáng tạo ra chắc chắn sẽ còn lại mãi với đời, giúp chúng ta sống đẹp hơn, giàu có hơn về tinh thần, thanh thản hơn về vật chất, trọn vẹn hơn với tố chất Con Người Thăng Long - Hà Nội bất khuất và nhân hậu, văn minh và thanh lịch, đó cũng chính là tố chất con người Việt Nam được lan tỏa khắp đất nước chúng ta". Trong sổ tang nhà văn Tô Hoài cũng lưu bao dòng kỷ niệm, thương nhớ ông của các thế hệ văn nghệ sĩ như Hữu Thỉnh, Phạm Thị Thành, Nguyễn Hà Bắc, Võ Thị Xuân Hà…
Giai điệu bài ca trên núi trong phim "Vợ chồng A Phủ", tác phẩm văn học và điện ảnh đặc sắc của văn nghệ cách mạng Việt Nam, đã thay lời tiếc thương cuối cùng tiễn ông đi xa.
Linh cữu nhà văn được đưa về an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, Mê Linh, Hà Nội.