Các địa phương họp khẩn bàn cách chống bão Rammasun

Đời sống - Ngày đăng : 16:04, 17/07/2014

Dự báo, khoảng trưa ngày 19/7, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Hải Phòng.

Theo dự báo của Đài Hong Kong, bão Rammasun cũng sẽ đi vào đất liền Việt Nam sau khi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và qua Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: hko.gov.hk.


Hải Phòng: Họp khẩn

UBND thành phố Hải Phòng cho biết, các phương tiện khai thác thuỷ sản hiện đang neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vỹ đã được lệnh phải được di chuyển về đất liền tránh bão ngay trong sáng 17/7. Mọi hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa cũng được lệnh phải dừng kể từ 18 giờ ngày 18/7.

Cũng theo thông tin trên báo Hải Phòng, Thành phố cũng chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi, di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè, tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản về nơi trú tránh an toàn và phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7.

Trước đó, chiều 16/7, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền đã lập tức chủ trì cuộc họp khẩn cấp bàn phương án phòng, chống bão số 2.

Ông Điền cho biết, đến 15 giờ ngày 16/7, toàn thành phố đã thông báo cho 3.023 phương tiện khai thác thuỷ sản, gần 500 lồng bè với gần 1000 lao động, 95 chòi canh với 100 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết thông tin về bão để chủ động phòng, tránh.

Trong đó có 863 phương tiện/2.610 lao động đang hoạt động trên biển; 2160 phương tiện/5700 lao động, 378 tàu du lịch, dịch vụ/542 lao động, 30 tàu vận tải/92 lao động đang neo đậu tại các bến...

Tại Bạch Long Vĩ có 305 phương tiện/454 lao động đang neo đậu trong Âu cảng, khoảng 195 phương tiện hoạt động cách đảo từ 1 đến 5 hải lý đang di chuyển vào đảo tránh trú.

Thái Bình: Cấm tàu, thuyền ra khơi từ sáng 17/7

Ban phòng chống lụt bão tỉnh thông tin trên báo Thái Bình cho biết đã ra thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng nay (17/7); bố trí; sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu.

Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng được lệnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu trước 15 giờ ngày 18/7 phải kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu, trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi…

Được biết, đến ngày 14/7, tại Thái Bình, dự án nâng cấp đê Hữu Hóa (Quỳnh Phụ) đã thực hiện được 5.500/11.000m3 đất đào, 11.000/74.000m3 đất đắp và 8.000/9.400m3 đất đắp cơ trồng tre chắn sóng; cống Xi đã hoàn thành 100% khối lượng dự toán được duyệt. Dự án nâng cấp đê biển số 8 đoạn từ K16+000 - K20+000 hoàn thành 8.617m3 đất đào và 46.222m3 đất đắp; thực hiện được 3.400/3.529m3 đá các loại và 3.412/4.712m3 bê tông mặt đê.

Quảng Ninh: Khẩn cấp di chuyển người dân và du khách vào bờ

Ông Hoàng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long trên báo Quảng Ninh cho biết, thành phố đã đưa 324 hộ dân các làng chài lên bờ tại phường Hà Tu, còn 31 hộ, thành phố sẽ cưỡng chế lên bờ trong ngày hôm nay 17/7; 15 nhà bè tại khu vực Cửa Vạn cũng sẽ được đưa vào tránh trú bão trong chiều nay.

Đến thời điểm này, tại Quảng Ninh, các tàu, thuyền xa bờ đã liên lạc được và về nơi tránh trú bão an toàn. Hiện nay, thành phố có 10 khu vực sạt lở đất đá, nguy hiểm nhất là điểm tại tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy; 21 giờ ngày 16/7 thành phố đã di dời xong 6 hộ dân tại khu vực này; thành phố sẽ có phương án di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở khác.

Ngoài ra, tại Cô Tô, đã thực hiện di chuyển được 300 khách, chiều nay huyện tiếp tục kêu gọi du khách di chuyển vào bờ. Huyện Vân Đồn, đang có154 khách du lịch tại Minh Châu đang chuẩn bị được di chuyển vào bờ.

Riêng đối với thành phố Cẩm Phả đang có khoảng 20 hộ dân khu vực nhà máy Nhiệt điện Mông Dương có nguy cơ bị nước ngập úng khi có mưa lớn.

Theo Cao Sơn