Thêm một di tích quốc gia ở Hà Nội bị trùng tu...như phá
Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 17/07/2014
Chùa Sổ, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một di tích thời Mạc hiếm hoi còn lại ở nước ta. Chùa Sổ được xếp hạng di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia năm 1990. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi chùa mang trên mình gánh nặng thời gian nhưng vẫn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp, sự độc đáo mà các ngôi chùa khác ở Việt Nam không có được.
Chính bởi thời gian tồn tại quá lâu dài, chùa Sổ đã xuống cấp nghiêm trọng và mới đây đã được tiến hành hạ giải để trùng tu. Tuy nhiên ngay từ khâu hạ giải ngôi chùa cổ này đã xuất hiện nhiều bất cập.
Công trình không hề được dựng nhà bao che, mặc cho những cấu kiện có tuổi đời mấy trăm năm qua phơi mưa nắng (Ảnh: Hoài Nam) |
Điều bất cập đầu tiên và rất tréo nghoe là đơn vị thi công mới chỉ tiến hành làm nhà bảo quản cấu kiện chứ chưa vội làm (hay không làm) nhà bao che công trình. Sau những trận mưa liên tục suốt tuần qua ở Hà Nội, ngôi chùa đã phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng mà không hề được che đậy hay chí ít là phủ bạt lên nóc chùa, khi mà mái ngói của ngôi chùa đã được dỡ ra chỉ còn trơ bộ khung gỗ.
Một số người dân địa phương kể lại, việc hạ giải phần ngói không được thực hiện đúng quy trình trùng tu của Viện Bảo tồn Di tích. Công nhân leo lên nóc chùa, dùng thúng để đựng ngói và chuyển xuống. Lớp ngói phía dưới (ngói lót) không được giữ lại. Do đó, xung quanh chùa, rồi trong lòng chùa la liệt những mảnh vỡ của ngói, vôi vữa, gạch vỡ, những hoành, những rui, những cột trốn, những mảng chạm từ thời Lê… Thậm chí, bộ cửa võng cũng được để nguyên chứ chưa thèm hạ xuống để đem đi bảo quản.
Quanh nền bó Thượng điện của chùa là hàng gạch Mạc được in nổi những hình Rồng, hoa lá, hươu nai, hổ… tạo nên sự độc đáo, khác biệt và giá trị của di tích. Thế nhưng, dường như người ta chẳng cần quan tâm. Những ngói vỡ, gạch vỡ, mảng chạm… đang lấp dần đi những viên gạch vô giá.
Trong chùa là ngổn ngang gạch, gỗ, ngói (Ảnh: HP) |
Chưa hết, ở chùa còn có những bức tường xây bằng loại gạch dày, vuông và to bản cùng với rất nhiều viên gạch mỏng, to bản là những loại gạch cổ, hiếm có. Thế nhưng, chúng tôi tận mắt chứng kiến người ta đang đập đi những bức tường độc đáo này. Một người dân cho biết họ sẽ xây lại bức tường bằng loại gạch khác.
Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng một tòa nhà lục giác. Được biết, tòa nhà này là hạng mục mới, không có trong thiết kế thi công. Điều này vi phạm nguyên tắc xây dựng trong khu vực bảo vệ của di tích.
Trước những bất cập trong quá trình hạ giải, thi công hạng mục mới, ông Dương Văn Hoàng, đại diện đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng số 10 lại khẳng định, quá trình thi công được thực hiện theo đúng quy trình. Ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi thi công đến đâu, che bạt đến đấy, chỉ khi có quyết định đình chỉ chính thức của Sở VHTT&DL Hà Nội về kiểm tra hôm 15/7, thì mới căng toàn bộ phần mái chùa để bảo quản cố định”.
Cấu kiện có tuổi thọ hơn 300 năm. |
Khi được hỏi về việc làm nhà bao che, ông Hoàng trả lời rằng, trong gói thầu không có nhà bao che mà chỉ có nhà bảo quản cấu kiện sau khi hạ giải. Ông Hoàng cho biết, bản thân ông cũng hiểu rằng theo nguyên tắc, phải có nhà bao che. Tuy nhiên, khi yêu cầu, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án huyện Thanh Oai đã nói rằng kinh phí hạn hẹp. Nhà thầu chỉ thỏa thuận theo hợp đồng còn nếu muốn dựng nhà bao che thì phải bổ sung gói thầu tiếp theo.
Còn về phía tòa nhà lục giác là hạng mục được xây mới trong khuôn viên di tích, ông Hoàng giải thích rằng đó là do nhân dân đóng góp và xây dựng, không liên quan đến gói thầu. Còn theo ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước, mặt bằng hạng mục này trước kia là một cái am, nhưng đã bị phá dỡ để xây nhà lục giác. Mặc dù am nằm trong khu vực bảo vệ 1, nhưng ông Toàn lại nói, người dân cho rằng "vì nó không được công nhận di tích nên đã tự ý phá đi xây mới".
Chùa Sổ là di tích cấp quốc gia, xét riêng về 1 số tiêu chí, có lẽ nó là ngôi chùa đặc biệt, độc đáo mà ít di tích có được, Vậy nên, việc trùng tu ngôi chùa này phải được tiến hành hết sức cẩn trọng để gìn giữ một di sản quý cho mai sau.