Như vắng bóng người cha !

Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 17/07/2014

(HNM) - Hôm nay 17-7 là ngày chúng ta tiếc thương đưa nhà văn Tô Hoài - một cán bộ lão thành cách mạng, một nhà văn lớn của đất nước, một người có tâm hồn Hà Nội sâu sắc, về nơi an nghỉ cuối cùng. Hànộimới xin ghi lại những dòng ký ức của nhiều thế hệ nhà văn, nhà phê bình văn học về cây bút Tô Hoài, như một nén tâm nhang tiễn biệt ông.


Nhà thơ Bùi Việt Mỹ (Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội):


Tôi được làm việc với nhà văn Tô Hoài hơn 10 năm. Ông là nhà văn lớn bởi cá tính sáng tạo đặc biệt của mình. Chính vì thế, trong công việc, ông thể hiện rất tự nhiên phẩm chất, bản năng cống hiến của một người có tài. Trong tác phẩm và ngoài đời, ông đều thể hiện sự tinh tường và cần mẫn. Chính vì thế mà nhiều năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, làm quản lý cả 9 hội chuyên ngành, ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và còn tạo được cho mình một khoảng tĩnh lặng để hồi tưởng, suy ngẫm và sáng tác. Ông thường lựa chọn những việc cần làm, làm ít nhưng phải tinh, phải có ích. Ông thường dặn: Làm gì thì làm nhưng phải thể hiện được vị thế của một hội bao gồm những hội viên của Thủ đô, của cả nước.

Cây đại thụ văn chương Tô Hoài đã ra đi nhưng dấu ấn của ông trong lòng độc giả sẽ còn mãi.
Ảnh: Hoài Trung



Là một nhà văn lớn từng chứng kiến nhiều biến đổi lịch sử và gắn bó với Thăng Long 36 phố phường, ông rất đam mê ẩm thực, chú tâm trong việc tiếp khách và ăn uống với sự nhẹ nhàng, tinh tế, truyền thống và khám phá. Có một thời gian ông thường trao đổi với tôi bằng thư. Tôi trân trọng giữ được khá nhiều mẩu giấy nhỏ và ít trang bản thảo ông tặng cho.

Tờ báo Người Hà Nội thời Tô Hoài làm Tổng Biên tập không có quảng cáo, không có bài PR, nhưng nay mở ra vẫn thấy sang lắm. Dù điều kiện hiện nay có khó khăn, chúng tôi cũng cố gắng học được phần nào cái cách của ông đã làm mà lưu giữ, mà phát huy hồn cốt văn chương của tờ báo.

Nhà văn Lê Phương Liên (NXB Kim Đồng):


Nhiều năm nay, khi Tết đến xuân về, tôi vẫn thường tới ngôi nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài để chúc Tết nhà văn Tô Hoài. Xuân Giáp Ngọ này, tuy sức khỏe đã yếu nhưng trí tuệ vẫn tỉnh táo, ông vẫn vui vẻ hẹn tôi: "Tết sang năm lại ngồi trò chuyện đầu xuân nhé!"… Chợt nghe tin ông đã ra đi, tôi thấy đột ngột, hẫng hụt… như trong nhà vắng bóng một người cha, như bước về một khu vườn thân yêu từ thuở ấu thơ bỗng thấy thiếu vắng một bóng đa cổ thụ… Là một người viết văn cho thiếu nhi, làm việc ở Nhà xuất bản Kim Đồng hàng chục năm nay, đối với tôi, nhà văn Tô Hoài như một người cha tinh thần.

Hơn 40 năm qua, kể từ cuốn sách đầu tay của tôi ra đời năm 1971 (cuốn "Những tia nắng đầu tiên" đã được nhà văn Tô Hoài đọc rất kỹ) cho đến lần gặp gỡ cuối cùng, ông vẫn thường nhắc nhở tôi: "Hãy viết cho trẻ em hay hơn nữa!".

Sự nghiệp văn học của nhà văn Tô Hoài là một sự nghiệp lớn, ông có những trang viết về Hà Nội độc đáo và sắc sảo. Nhưng hơn tất cả, nhà văn Tô Hoài có "Dế Mèn phiêu lưu ký". Nhiều người đã ngạc nhiên, rằng cuốn sách kể về chú dế đi chu du qua những miền Châu Chấu, xóm Ếch Nhái, xứ Kiến… lại có thể được dịch và "truyền bá" ở hơn 40 nước? Vâng, điều kỳ diệu chính ở ngòi bút Tô Hoài, ông đã tạo ra một xã hội loài vật với những cá tính còn u mê, đấu đá nhỏ nhen… để rồi trong cuộc chu du Dế Mèn đã tự khai sáng thoát khỏi tình trạng "vị thành niên", tâm hồn chú trở nên nhân hậu với mong muốn một thế giới đại đồng "muôn loài cùng kết anh em"... Nhà văn Tô Hoài đã thanh thản ra đi, nhưng chắc hẳn "Dế Mèn" sẽ còn đồng hành với nhiều thế hệ tuổi thơ và sẽ có những người tri kỷ đi theo con đường mà ông đã khai mở.

Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (Hội Nhà văn TP Đà Nẵng):

Năm 12 tuổi, tôi đọc "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, trong bối cảnh chiến tranh bắt đầu nổ ra ở miền Nam. Đó là năm 1964. Làng quê tôi trở thành chiến địa, hứng chịu nhiều bom đạn từ cả hai phía. Tôi và các bạn cùng trang lứa phải theo gia đình đi lánh nạn… Lúc ấy, tôi buồn lắm và cứ mải mường tượng về những cuộc đời của các bạn tôi, những số phận trôi theo dòng chảy khắc nghiệt của thời cuộc. Tôi đọc đi đọc lại "Dế Mèn phiêu lưu ký" đến 3-4 lần và bắt đầu mơ ước sau này nhất định mình sẽ làm nhà văn để viết về những điều ý nghĩa nào đó.

Rồi năm 2006, tôi lại đọc "Ba người khác" của Tô Hoài. Tôi đọc một hơi xong cuốn sách và tức tốc chạy ra hiệu sách để mua thêm 2 cuốn nữa. Vì tôi biết chúng sẽ không còn. Quả nhiên sau đó ít lâu, "Ba người khác" đã lặng lẽ biến mất trên các kệ của tất cả các hiệu sách trong thành phố.

Tôi nghĩ rằng một nhà văn lớn là khi tác phẩm của họ có sức lay động tâm hồn người đọc và quan trọng hơn, làm thay đổi cuộc sống của họ. Nghĩa là họ không thể tiếp tục sống như trước nữa.

Tô Hoài là một nhà văn như thế. Và tôi cảm thấy biết ơn ông rất nhiều. Người đã đánh thức những hạt giống ước mơ trong tâm hồn tôi và tiếp sức cho tôi đi đến tận cùng của những điều có thể!

Nhà lý luận phê bình trẻ Trần Thiện Khanh (Viện Văn học):

Tô Hoài là nhà văn có địa vị vững vàng trong lịch sử văn học dân tộc, một ngọn cao sơn sừng sững khó có thể thay thế hoặc vượt qua. Hiếm có nhà văn nào có sức sáng tạo dồi dào như Tô Hoài. Ông suốt đời tìm tòi, chiêm nghiệm, suối đời bền bỉ lao động nghệ thuật, để lại cho người đến sau không ít bài học kinh nghiệm viết văn bổ ích. Ở mảng đề tài nào ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm, có nhiều tác phẩm xuất sắc, chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc. Viết về loài vật, ông là một mẫu mực; viết về đồng bào thượng du, ông là một nhà nghiên cứu uyên bác, chuyên gia về những phong tục địa phương đặc sắc. Ông là nhà văn cách mạng, nhà văn của những niềm tin lý tưởng, của sức sống tiềm tàng trỗi dậy.

Ông còn là nhà văn của vùng ngoại ô Hà Nội, nhà văn của những người nghèo khổ; viết về đời văn, bạn văn, ông là một nhân chứng sống, một kho giai thoại. Không thể không đọc Tô Hoài nếu muốn hiểu cái bề sâu, bề chìm trong mỗi chân dung văn học quen thuộc, nếu muốn "đọc" từ bên trong, nắm bắt được cái đời nhất, người nhất của làng văn Việt Nam hiện đại. Truyện nào của Tô Hoài cũng có dáng dấp của ký, nghĩa là tác phẩm của ông luôn là một phát ngôn về hiện thực, con người thực, việc thực; luôn chứa đựng một lõi sự thực nào đó.

Thi Thi