Bài cuối: Không chấp nhận sống chung với ô nhiễm

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 17/07/2014

(HNM) - Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hà Nội vẫn loay hoay đối mặt các vấn đề ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải? Phải chăng nhận thức kém, thiếu đầu tư, thiếu quyết liệt trong hành động…?


Ý thức kém

Không khó bắt gặp trên đường phố Hà Nội những điểm rác đổ bừa bãi bất kể giờ giấc, ngày đêm. Vì đơn giản, lâu nay, người dân vẫn có thói quen vứt rác hay bất cứ đồ vật gì không còn dùng đến ra vỉa hè mà không cần đợi đến giờ công nhân môi trường đô thị thu gom. Từ một túi rác, chả mấy chốc trở thành điểm tập kết rác lớn đầy ruồi nhặng và bốc mùi xú uế. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường dường như là điều gì đó xa xỉ với nhiều người.

Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải ven sông Tô Lịch. Ảnh: Phương An



Hay đơn giản hơn như việc phân loại rác tại nguồn, một tổ chức của nước ngoài đã hỗ trợ thí điểm bằng cách phát cho các hộ dân hai loại túi đựng rác có màu khác nhau. Một để đựng rác hữu cơ, một để đựng rác vô cơ. Thế nhưng việc thí điểm không thành và khó nhân rộng vì nhiều lẽ, trong đó có việc không ít hộ không thực hiện hoặc vẫn bỏ lẫn rác hữu cơ và rác vô cơ vào một túi. Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội có một nhà máy xử lý rác thành phân bón. Do không có thói quen phân loại rác tại nguồn nên việc tiếp nhận xử lý tại nhà máy rất khó khăn, nguồn "nguyên liệu" chính của nhà máy chủ yếu là rác thu gom từ các chợ vì nguồn này cơ bản là rác từ rau, củ, quả.

Không chỉ người dân mà ngay cả các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kém về ý thức. Khi xin đầu tư khu đô thị, quy hoạch trình phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường đều bắt buộc có công trình xử lý nước thải nhưng đến lúc triển khai thường bị chủ đầu tư "bỏ quên". Hà Nội có mấy chục khu đô thị mới đi vào hoạt động nhưng có mỗi Mỹ Đình II có trạm xử lý nước thải. Tình trạng tương tự ở các khu, cụm công nghiệp.

Quy trình, cơ chế có vấn đề

Cùng với câu chuyện ý thức, quy trình thu gom hiện bộc lộ nhiều tồn tại. Trước hết về mức phí, sau nhiều năm bù lỗ, vừa rồi phí vệ sinh được tăng lên 6.000 đồng/người/tháng khu vực nội thành. Tuy nhiên, mức phí này mới đủ chi phí thu gom rác đến ngõ, xóm và tổ chức tổng vệ sinh định kỳ. Ở cấp xã, do mức phí thấp hơn, mặt khác việc thu phí chỉ đạt 60-80% nên chưa đáp ứng đủ cho việc thu gom. Vì thế tần suất thu gom rác ở điểm dân cư nông thôn 2-3 lần/tuần. Tại nội thành, ngoài đường, phố chính có xe đi tua thu gom rác, các tuyến còn lại thường thu gom một lần trong ngày nên chân rác lưu cữu chờ xe thu gom khó tránh khỏi.

Đối với các đơn vị vệ sinh môi trường, Hà Nội thực hiện chủ trương xã hội hóa, với 13 đơn vị tham gia duy trì vệ sinh đường phố theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, thực chất các doanh nghiệp hoạt động như đơn vị công ích. Tại cuộc giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường kỳ quý II-2014, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thẳng thắn phê phán, với cách ghi đầu xe, đếm số lượng, tính toán khối lượng thủ công hiện nay, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng thỏa thuận ăn chia, khai khống số lượng; chưa kể không tổ chức đấu thầu mà chủ yếu là chỉ định thầu chính là tạo ra cơ chế xin - cho, là kẽ hở nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cần có đầu tư lớn, bài bản cho lĩnh vực vệ sinh môi trường là yêu cầu cấp thiết với Hà Nội hiện nay. Song đầu tư cho công trình bảo vệ môi trường đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong khi khả năng đầu tư từ nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn và rất nhỏ bé so với yêu cầu. Nhất là việc đầu tư hệ thống thu gom nước thải nội thành, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung quy mô lớn, việc cải tạo hệ thống thoát nước hỗn hợp, xây dựng hệ thống tách nước thải sinh hoạt… là những hạng mục khó kêu gọi xã hội hóa. Ngay các cơ sở được đầu tư, khó có thể yêu cầu nhà đầu tư xây dựng ngay công trình xử lý môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải do kinh phí đầu tư công trình này rất lớn. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Khánh Khoa