Hiệp định Genève 1954: Bài học kinh nghiệm trên mặt trận ngoại giao

Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 17/07/2014

(HNM) - 60 năm trước, ngày 20-7-1954, sau 75 ngày đàm phán, đấu trí, đấu lực vô cùng khó khăn, căng thẳng, khốc liệt và gian nan không kém với chiến trường, Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết tại Genève (Thụy Sĩ).

Sự kiện này đánh dấu thắng lợi to lớn cuộc kháng chiến chống Pháp và quan trọng là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta được các nước, kể cả nước Pháp cam kết tôn trọng.

Quang cảnh Hội nghị Genève.


Thắng lợi quan trọng này là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao; minh chứng hùng hồn chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế của Đảng và nhân dân ta. Đây còn là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này.

Cuối năm 1953, sau hơn 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương, những thất bại nặng nề của quân đội Pháp trên chiến trường đã tác động mạnh tới nội tình và phân hóa nội bộ chính quyền Pháp. Trước áp lực của phái chủ hòa đòi sớm có cuộc đàm phán về vấn đề Đông Dương, Thủ tướng Lanien - phái chủ chiến buộc phải chấp nhận một giải pháp ngoại giao bảo đảm danh dự cho nước Pháp rút khỏi cuộc chiến. Quan điểm và thái độ của các nước lớn như Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ với Đông Dương lúc này cũng khác nhau. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, làm thất bại âm mưu của Pháp và Mỹ.

Ngày 25-1-1954, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp nhất trí triệu tập hội nghị quốc tế gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và các nước liên quan tại Genève ngày 26-4-1954 để bàn giải pháp chính trị vấn đề Triều Tiên và giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi ta giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện ba chính phủ theo Pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia chính thức bàn về chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Đại diện lực lượng kháng chiến Pathét - Lào và Khơme Itxarắc (Campuchia) có mặt ở Genève nhưng không được các đoàn Anh, Pháp, Mỹ chấp nhận tham dự hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô và Anh được cử làm đồng chủ tịch.

Trong phiên họp toàn thể thứ hai, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng trình bày lập trường 8 điểm của Việt Nam là đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho Việt Nam, Lào, Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ lập trường của Việt Nam, giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 12-6, Chính phủ Lanien - phái chủ chiến phải từ chức; Mendes France - Thủ tướng mới lên thay hứa đem lại hòa bình cho Đông Dương trong thời hạn một tháng, nếu không cũng sẽ từ chức. Ngày 24-6, diễn ra hội nghị quân sự về Lào, ngày 7-7 hội nghị quân sự về Campuchia. Trưởng đoàn Quân sự Việt Nam tại hai hội nghị này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu - đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong văn kiện gửi đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những điểm chính cần đàm phán là thực hiện ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam, Lào và Campuchia; phân chia khu vực ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới; không đưa quân đội, nhân viên quân sự vào sau khi ngừng bắn; không có căn cứ quân sự và liên minh quân sự; ấn định thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam; vấn đề Việt Nam tham gia khối liên hiệp Pháp sau khi thống nhất đất nước; đồng ý thành phần ủy ban quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canada. Đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Pathét - Lào ở hai tỉnh mà không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khơme Itxarắc. Ngày 19-7, đoàn Việt Nam chủ động đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 17, trong khi đó, phía Pháp vẫn đòi qua vĩ tuyến 18. Tại cuộc họp toàn thể thứ 8, tiến hành lúc 17 giờ 15 phút ngày 20-7-1954, các trưởng đoàn thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17, tức sông Bến Hải - phía bắc tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm.

Như vậy là, với chiến thắng trên chiến trường, cùng với sự khôn khéo, giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sau hơn hai tháng đấu tranh, đêm 20 rạng ngày 21-7-1954, tại trụ sở Hội Quốc Liên (nay là Liên hợp quốc) ở Genève, Hội nghị về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương đã kết thúc, các bản hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm 6 chương, 47 điều và phụ bản. Ba hiệp định đình chỉ chiến sự được ký kết cùng với bản tuyên bố cuối cùng tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Genève về Đông Dương. Ngoài ra, còn có tuyên bố đơn phương của Pháp sẵn sàng rút quân và tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; tuyên bố của đại diện chính phủ Mỹ cam kết không dùng vũ lực phá hoại các hiệp định.

Hiệp định Genève phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong tình hình quốc tế lúc này. Những giải pháp đạt được dù chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường cũng như xu thế cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và thực dân Pháp, nhưng việc ký kết hiệp định vẫn là thắng lợi to lớn của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, góp phần cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ và Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương… Hiệp định sơ bộ 1946, Hiệp định Genève 1954, Hiệp định Pa-ri 1973 là những nấc thang cực kỳ quan trọng của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay, chúng ta không chấp nhận, không khuất phục trước kiểu hành xử lấy sức mạnh để uy hiếp nước khác. Với chính nghĩa, chúng ta nhất định thắng, nhưng trong đấu tranh, sách lược phải hết sức mềm dẻo. Đó là bài học kinh nghiệm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao từ Hội nghị Genève 1954. 

Đại tá, TS Nguyễn Thành Hữu