Phải xử lý trách nhiệm!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:41, 17/07/2014
Đây là việc làm cần thiết bởi không ai chắc chắn tuyến đường ống có giá hàng trăm tỷ đồng kia lại không vỡ một lần nữa. Tuy nhiên, đằng sau vụ việc vỡ đường ống nước là hàng loạt vấn đề liên quan đến câu chuyện trách nhiệm. Nếu không làm rõ và xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc thì những câu chuyện tương tự rất có thể sẽ xảy ra và hậu quả thế nào không ai có thể nói trước.
Sau 9 lần vỡ đường ống nước, Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà cũng thay mặt lãnh đạo tổng công ty nhận sai sót và cho biết đang xem xét trách nhiệm của nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, đơn vị tổng thầu thiết kế... Vị Tổng Giám đốc nói, sẽ có hình thức xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định; đồng thời, thừa nhận, Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng tuyến ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội (ống composite cốt sợi thủy tinh được sử dụng là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam).
Sau rất nhiều lần vỡ đường ống nước, các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra được nguyên nhân: Chất lượng đường ống không đồng đều; trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây nhiều tác động ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng; rồi những ảnh hưởng bất lợi của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác Đại lộ Thăng Long, việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống... Tóm lại, có đủ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Vì sao phải đợi đến lúc bức xúc của hàng vạn người dân lên tới đỉnh điểm; vì sao phải tới lúc thành phố không còn đủ kiên nhẫn, mất niềm tin, Tổng Công ty CP Vinaconex mới chịu nhận trách nhiệm? Vì sao sau rất nhiều lần vỡ đường ống nước, các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Xây dựng mới chính thức công bố nguyên nhân? Rõ ràng ở đây có sự thiếu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng thiếu trách nhiệm trong việc nhanh chóng tìm nguyên nhân (không xác định rõ nguyên nhân thì không thể đưa ra giải pháp khắc phục). Một thời gian dài, cơ quan quản lý loay hoay với việc xử lý sự cố có phần đáng nói từ sự chậm trễ này. Còn với Vinaconex là sự vô trách nhiệm đối với hàng vạn người dân Thủ đô. Thế nhưng, có lẽ câu chuyện trách nhiệm không dừng ở đó.
Một công trình được xem là trọng điểm của một tổng công ty lớn tầm cỡ như Vinaconex đương nhiên không phải chuyện đơn giản. Chắc chắn sẽ có sự tham góp ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp từ khâu thiết kế đến phê duyệt dự án, rồi sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình thi công và... cả một hội đồng nghiệm thu, chưa kể đến chuyện đóng dấu chất lượng vàng... Tại sao "chất lượng vàng" lại vỡ ra như vậy? Tại sao người ta lại cho phép đưa vào thi công những chiếc ống nước chưa khẳng định được độ bền trong thời gian khai thác sử dụng? Vậy, đằng sau đó là gì, liệu có những cái bắt tay "lợi ích" hay không?
Hệ lụy từ việc đường ống nước sông Đà liên tiếp vỡ có lẽ không phải bàn thêm. Với dư luận, vấn đề không chỉ ở chỗ phải làm rõ trách nhiệm mà còn phải xử lý nghiêm những trường hợp thiếu trách nhiệm, cố tình làm sai trách nhiệm. Nếu không làm được điều đó, chắc chắn như nhiều người đã nói: Niềm tin của người dân sẽ "vỡ" theo những đường ống nước.