Gia tăng nhu cầu nhà ở chất lượng cao cho sinh viên quốc tế
Bất động sản - Ngày đăng : 22:55, 16/07/2014
Mặc dù chỉ cho thuê ngắn hạn, nhà ở cho sinh viên đem lại nguồn thu nhập khá tốt nhờ vào nguồn cầu dồi dào và ổn định. Sự gia tăng về nhu cầu nhà ở của các sinh viên quốc tế cộng thêm sức cạnh tranh thấp về nguồn cung tại các thành phố có các trường đại học hàng đầu, đang tạo nên những cơ hội mới cho việc đầu tư vào lĩnh vực xây nhà cho sinh viên.
Theo Savills, đầu tư vào hạng mục này đã tăng lên đáng kể từ sau khủng hoảng kinh tế, từ 3,4 tỷ đô la trên toàn cầu năm 2007 đến con số kỉ lục 7,2 tỷ đô la trong năm 2013. Khi mà các nhà đầu tư thuộc các tổ chức đang chiếm lĩnh các cơ hội đầu tư xuyên biên giới, chiếm 57% số lượng các giao dịch, Savills cũng kì vọng các nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia vào đầu tư khi nhà ở sinh viên vẫn là một thị trường mới nổi.
Số lượng sinh viên đăng kí vào bậc đại học và sau đại học là 164 triệu trên toàn thế giới và số lượng này dự kiến sẽ tăng lên thêm 32 triệu trong vòng 10 tới. Trong đó, sinh viên quốc tế đang là nguồn thu quan trọng cho các trường đại học. Trong vòng 10 năm tới số lượng sinh viên quốc tế được dự báo sẽ tăng lên 3,9 triệu so với 3 triệu trong năm 2011.
Trường LMU ở bắc London. |
Nhu cầu tìm kiếm nhà ở chất lượng cao từ các sinh viên lưu động quốc tế đang tăng lên, đẩy mạnh nhu cầu trong thị trường mà trước đây chỉ phục vụ chủ yếu cho nhu cầu nội địa. Điều này đặc biệt được nhìn thấy ở các trường đại học danh tiếng thế giới, nhất là các trường có chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh.
Yolande Barnes, Giám đốc Nghiên cứu Savills Toàn cầu cho biết: “Những sinh viên quốc tế này thậm chí có kì vọng cao hơn về mọi khía cạnh cuộc sống tại các trường đại học mà họ chọn và điều này tạo nên cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong phân khúc nhà ở cho sinh viên”.
“Sự gia tăng về số lượng sinh viên quốc tế giúp đảm bảo cho thị trường có những sản phẩm chất lượng cao, nhưng chúng tôi kì vọng điều này không chỉ đến từ các sinh viên quốc tế. Nguồn vốn đầu tư cũng đang di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư mới”.
Trung Quốc là nguồn thị trường lớn nhất về số lượng sinh viên bậc đại học và sau đại học với gần 650.000 sinh viên hiện đang theo học ở nước ngoài, tăng gấp đôi số lượng trong 4 năm từ 2007 đến 2011. Con số này dự kiến tiếp tục tăng lên, tập trung ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Úc, các nước trong khu vực Châu Âu cũng nhận được sự quan tâm ngày càng cao.
Tiếp sau Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai về số lượng sinh viên du học (196.000), chủ yếu tập trung tại Mỹ và Anh, theo sau là số lượng sinh viên đến từ Hàn Quốc (128.000) mà phần lớn đang theo học tại Nhật và Mỹ. Ngoài ra, Brazil cũng là quốc gia có nhiều sinh viên đi học ở nước ngoài. Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học cũng có nhu cầu cao về nhà ở.
Barnes chia sẻ: “Vẫn tồn tại những rủi ro trong thị trường này bao gồm học phí tăng trên toàn cầu, sự phát triển của khoa học công nghệ giúp cho việc học từ xa ngày càng dễ dàng cũng như các quy định hạn chế cấp visa cho các sinh viên quốc tế”.
“Tuy nhiên, nhiều thành phố có các trường đại học đang rất thiếu nguồn cung nhà ở và đây là yếu tố thúc đẩy cho việc cân nhắc đầu tư. Sự tăng lên về số lượng sinh viên quốc tế cũng sẽ đảm bảo thị trường có các sản phẩm chất lượng cao”.