Lạc hậu trong “thế giới phẳng”
Công nghệ - Ngày đăng : 07:30, 16/07/2014
Lãng phí tiền tỷ
Tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII (vừa kết thúc), Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Mạnh Hà chia sẻ một thực tế lo ngại rằng, thời gian qua tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ngành, quận, huyện đều đã được cấp HTĐT nhưng số người sử dụng chỉ khoảng 40%, trong đó có rất ít người sử dụng thường xuyên. UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh nhưng sự chuyển biến không đáng kể. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nói thẳng: "Không cần nói đâu xa, chỉ riêng việc Văn phòng HĐND thành phố gửi thư điện tử để mời các sở, ngành, quận, huyện nhưng không hề nhận được phản hồi…".
TP Hồ Chí Minh đã chi hàng trăm tỷ đồng triển khai ứng dụng CNTT nhưng hiệu quả còn hạn chế. |
Giai đoạn từ năm 2005 đến 2012, thành phố đã chi trên 660 tỷ đồng cho dự án chính quyền điện tử, trang bị cho 64 sở ban ngành, quận huyện về hạ tầng CNTT, gồm trang thiết bị phần cứng, phần mềm ứng dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực… Thành phố đã xây dựng hộp thư cho gần 11.000 cán bộ. Năm 2013, thành phố dành 300 tỷ đồng, tăng 3 lần so với kế hoạch kinh phí hàng năm, đầu tư thực hiện chính quyền điện tử nhằm tạo sức bật mới trong việc CNTT tại các sở, ngành, quận huyện. |
Thông tin này đã gây sửng sốt cho các đại biểu HĐND, công luận, giữa thời buổi "thế giới phẳng", khi thành phố đang gấp rút triển khai hoàn thiện chính quyền điện tử. Điều đáng nói, TP Hồ Chí Minh đã chi ngân sách rất lớn cho việc triển khai ứng dụng tiện ích CNTT nhằm giải quyết các thủ tục hành chính, kết nối chính quyền với người dân, doanh nghiệp để phấn đấu đến hết năm 2015, 100% các văn bản nội bộ sẽ được trao đổi dưới dạng điện tử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2014, tổng kinh phí UBND thành phố phê duyệt để triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là hơn 136 tỷ đồng cho 150 dự án, hạng mục.
Điều đáng lo hơn, HTĐT là tiện ích đơn giản nhất trong ứng dụng CNTT nhưng việc cán bộ, công chức không sử dụng thì những công nghệ mới, phần mềm khác phức tạp hơn làm sao có thể bắt nhịp. Điều đó cho thấy tiền tỷ ngân sách đầu tư cho việc này đã lãng phí. Điều đáng nói hơn, theo ông Hà, việc lãnh đạo sở, ngành "không ngó" tới HTĐT còn làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thành phố. Cụ thể, việc cấp giấy phép chứng nhận đầu tư nước ngoài có tỷ lệ trễ hạn nhiều, một phần là vì áp dụng chưa tốt CNTT. "Hồ sơ thường trễ hạn trung bình 22 ngày, lâu nhất là 222 ngày, tức là gần một năm và điều đáng nói là có rất nhiều hồ sơ như thế" - ông Hà khẳng định.
Địa phương kêu "vướng víu"?
Ông Đoàn Ngọc Đức, Chánh văn phòng UBND huyện Nhà Bè cho biết, UBND huyện Nhà Bè hiện đã đăng ký 178 HTĐT, trong đó các cấp lãnh đạo đăng ký cấp HTĐT là 40/42 người, đạt tỷ lệ 95%. Tuy vậy thực tế hiện nay, tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính chỉ khoảng 75%, chưa đạt tỷ lệ 1 máy/người. Do đó, việc trao đổi thông tin công việc qua HTĐT còn hạn chế và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, HTĐT được thành phố quản lý tập trung nên cấp huyện không chủ động thống kê tình hình sử dụng thường xuyên của toàn thể cán bộ, công chức nên việc đôn đốc, nhắc nhở, khiến cho công việc chưa đạt hiệu quả cao nhất.
Tương tự, UBND huyện Cần Giờ cho biết, do nguồn kinh phí để trang bị máy tính cho cán bộ, công chức chưa đầy đủ dẫn đến HTĐT cũng không thể triển khai hết. Ngoài ra, việc sắp xếp thời gian cũng bị vướng do lịch làm việc liên tục; thay đổi mật khẩu định kỳ hằng tháng… cũng làm cho việc sử dụng HTĐT đang bị hạn chế.
Nhận xét về những "lý do" trên, một chuyên gia CNTT cho rằng không thuyết phục, nhất là với cấp cán bộ lãnh đạo, người đầu tiên được… ưu tiên máy tính. Nguyên nhân chính là do lãnh đạo các cấp không quan tâm, không tự vận động, thậm chí lạc hậu giữa "thế giới phẳng".