Sử dụng xăng sinh học: Cần thực hiện đúng lộ trình
Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 16/07/2014
Vậy, xăng sinh học E5 là gì? Việc mua, bán, kinh doanh xăng sinh học E5 trên thị trường thế nào? Vì sao lại dùng xăng sinh học thay thế xăng truyền thống...
Hiện tại việc đưa xăng sinh học E5 ra thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Sơn Hà |
Vai trò của nhiên liệu sinh học (NLSH) trong phát triển bền vững đã được đề cập tại Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ: NLSH là một dạng năng lượng mới, tái tạo cần được phát triển để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới. Xăng E5 đang bán trên thị trường là hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol và 95% xăng thông thường. Hiện, trên thế giới nhiều quốc gia không gọi xăng E5 là xăng sinh học, bởi chỉ có 5% lượng cồn được pha với xăng, tức chỉ là phụ gia như nhiều loại phụ gia khác pha trộn vào. Vì thế, xăng từ E5 tới E10 vẫn được coi là loại xăng thông thường, hoàn toàn phù hợp khi sử dụng với các động cơ hiện tại mà không cần phải hoán cải. Ngoài ra, đây cũng là sản phẩm không gây ảnh hưởng tới môi trường, cần được đẩy mạnh tiêu thụ. Tuy nhiên, trên thực tế không ít người dân lo ngại theo lộ trình thì đến năm 2016 sẽ đưa xăng sinh học E10 vào sử dụng rộng rãi trong cả nước. Vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường đã chuẩn bị lượng cồn ethanol ra sao để bảo đảm nguồn phối trộn xăng sinh học tăng nhanh theo lộ trình?
Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, từ cuối năm 2007 Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển NLSH đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025". Theo đề án, giai đoạn 2011 - 2015 Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 150.000 tấn NLSH, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất khoảng 1,8 triệu tấn NLSH, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu. Với chiến lược như thế, việc sản xuất NLSH, cụ thể là ethanol để pha vào xăng thành xăng sinh học sẽ thuận lợi. Từ năm 2008, PVN đã chủ động đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, có thể cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol nhiên liệu, pha được 6 triệu mét khối xăng E5, bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu của cả nước. Tuy nhiên, cả hai nhà máy của PVN tại Quảng Ngãi và Bình Phước đang phải hoạt động cầm chừng, bởi nhu cầu ethanol nội địa không đáng kể. Kế hoạch của PVN là đến năm 2014, 3 nhà máy của PVN sẽ cung cấp 300 triệu lít ethanol, đủ để pha 6 tỷ lít xăng E5, tương đương 94% nhu cầu tiêu thụ xăng cả nước năm 2014.
Theo Bộ Công thương, từ khi xây dựng đề án (năm 2007), Chính phủ đã lên các phương án ưu đãi về đất đai, tài chính, thuế hoạt động DN cho các đối tượng liên quan. Về giá bán, khi đã được bán ra thị trường, mặt hàng xăng sinh học cũng phải tuân theo nguyên tắc thị trường. Theo tính toán, ban đầu giá thành E5 ngang bằng với xăng truyền thống. Tùy theo điều kiện kinh doanh, từng DN có thể giảm giá hay không để tạo điều kiện khuyến khích cho người tiêu dùng. Nhà nước sẽ không bù giá, chịu lỗ thay cho
DN xăng dầu. Nước ta lựa chọn phương án sử dụng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, thuê đất, trang thiết bị, thuế thu nhập DN, không phân biệt DN nào. Đây là cách Chính phủ hỗ trợ để sớm đưa xăng E5 ra cộng đồng, sau khi đã cân nhắc kỹ các tác động, hài hòa lợi ích cũng như trách nhiệm xã hội giữa các bên liên quan. Giá xăng E5, về cơ bản vẫn do giá xăng nền quyết định, bởi xăng nền chiếm tới 95%. Tăng tỷ lệ ethanol sẽ có cơ hội giảm giá, phục vụ nhân dân tăng lên và lý do chủ yếu là do giảm được giá xăng nhập khẩu, thuế môi trường…
Đại diện PVN cho biết, giá thu mua nguyên liệu (chủ yếu là sắn) cao, biến động theo thời vụ, nguồn vốn để đầu tư mua nguyên liệu lớn do một năm chỉ có một vụ sắn, lãi vay ngân hàng còn cao… Ngoài ra, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tài chính cho việc phân phối và tiêu dùng xăng E5. Một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều DN chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học là do chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, khoảng 400 triệu đồng/cửa hàng, chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống. Đến thời điểm này, cả nước mới có 3/10 DN đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước. Ước tính, mức tiêu thụ xăng E5 trong thời gian qua của các DN này cũng chỉ bằng 1/8 so với xăng truyền thống. Do vậy, PVN kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần có chính sách dài hạn cho DN đầu tư vào NLSH như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được; xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5 đưa vào lưu thông... Hiện, giá thành sản xuất xăng E5 không thấp hơn so với xăng thông thường do chi phí đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào khá thấp cộng với những chính sách ưu đãi về thuế và phí đang được Chính phủ xem xét sẽ giúp xăng sinh học có khả năng cạnh tranh hơn so với xăng truyền thống…
Tính đến cuối năm 2010, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - thành viên của PVN) đã đầu tư được 30 điểm bán xăng E5; cuối năm 2013 thêm được 100 cửa hàng xăng dầu bán xăng E5. Ngoài ra, để đưa được sản phẩm xăng E5 đến người tiêu dùng, PV Oil đã đầu tư 5 trạm pha chế xăng E5 tại các kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), Miền Đông (Vũng Tàu) và Trà Nóc (Cần Thơ) với chi phí khoảng 3 tỷ đồng/trạm. Các trạm này có quy mô pha chế 80.000 - 85.000 lít/ngày. |