Tuyến ống nước sông Đà về Hà Nội vỡ liên tiếp: “Vỡ” cả lỗ hổng quản lý

Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 16/07/2014

(HNM) - Ba ngày 2 lần vỡ liên tiếp và là lần vỡ thứ 9 kể từ khi đưa vào vận hành, xem ra dư luận và người dân Thủ đô đã



Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 15-7, chủ đầu tư đường ống nước sông Đà đã có lời xin lỗi, nhận khuyết điểm đã để liên tiếp xảy ra sự cố. Mặc dù vậy, thành phố đã quyết định đầu tư đường nước khẩn cấp dài 30km từ quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 để bảo đảm an toàn cấp nước cho người dân, chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào đường ống nước của Vinaconex có thể vỡ bất kỳ lúc nào và không biết bao giờ mới thôi không vỡ nữa.

Sau 5 năm đưa vào sử dụng, đã 9 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ, ảnh hưởng tới sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Mai Uyên


Hết kiên nhẫn với Vinaconex

"Hết kiên nhẫn" hay không thể để cho Vinaconex "đùa" với cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân chỉ là cách nói. Thực chất, Hà Nội cũng phải chịu sức ép rất lớn từ công luận, từ cuộc sống bị đảo lộn của hơn 70.000 hộ dân đang sử dụng nguồn nước sạch sông Đà. Quyết định này cũng được lãnh đạo thành phố, từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đến lãnh đạo các sở, ngành thống nhất, quyết định rất nhanh ngay sau khi chỉ trong 3 ngày tuyến ống sông Đà vỡ 2 lần liên tiếp. Chủ trì cuộc họp khẩn chiều ngày 12-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đường ống mới, với yêu cầu huy động tất cả các đơn vị có năng lực của Hà Nội tham gia làm trong thời gian nhanh nhất có thể. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng không quên truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các đơn vị phải tập trung nhân lực, phương tiện, làm ngày làm đêm cho tuyến ống này. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, phương án cơ bản đã được quyết định, theo đó Tổng Công ty cổ phần Vinaconex chuyển hồ sơ dự án giai đoạn I đã có sẵn cho đơn vị tư vấn sử dụng; tư vấn sẽ thiết kế từng đoạn, bàn giao cho đơn vị thi công triển khai ngay.

Về quy mô, đường ống mới sẽ có đường kính 1.000mm, bằng gang hoặc thép, có thể chịu lực tốt; đồng thời đi nổi để tiết kiệm chi phí, vừa thi công nhanh, vừa dễ kiểm soát khi vận hành. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, trước mắt tuyến ống được đầu tư khẩn cấp để san tải cho tuyến ống sông Đà hiện thời, bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân Thủ đô. Sau này, khi Vinaconex đầu tư giai đoạn 2 theo quy hoạch, gồm cả việc nâng công suất nhà máy nước và làm tuyến ống số 2, đường ống "khẩn cấp" chuyển sang Nhà máy nước mặt sông Hồng hoặc sử dụng để tải phần công suất thừa của Nhà máy nước sông Đà. Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thi công khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Ảnh: Hoàng Giang


Phải có người nhận trách nhiệm

Việc chỉ trong 3 ngày đường ống vỡ 2 lần liên tiếp cũng khiến người ta "hết kiên nhẫn" khi câu hỏi trách nhiệm vẫn cứ lơ lửng không có câu trả lời. Cách đây khoảng 2 tháng, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã kiểm tra chất lượng tuyến ống dẫn nước sông Đà và kết luận nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc đường ống vỡ liên tiếp là do chất lượng của ống không đồng đều, một số vị trí có hiện tượng bong rộp, tách lớp, chỉ tiêu cơ lý không bảo đảm dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ. Trong khi, giai đoạn sản xuất, thi công lại thiếu yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng. Thứ nữa, quá trình thi công không bảo đảm. Một số đoạn khi khảo sát có bê tông, đá tảng lẫn với lớp cát đệm ống làm mất ổn định tuyến ống. Đoạn qua hầm chui dân sinh không có tấm bê tông bảo vệ dẫn đến giảm khả năng chịu tải của ống trước tác động tải trọng bên ngoài.

Nguyên nhân gián tiếp, Cục Giám định chỉ rõ, đó là những hạn chế về kinh nghiệm trong thiết kế, gia công chế tạo, thi công đường ống dẫn nước sạch bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh ở Việt Nam. Về trách nhiệm, Cục Giám định nêu, đơn vị thiết kế thiếu kinh nghiệm trong lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh; không đưa ra đầy đủ yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt. Đối với nhà sản xuất, việc lựa chọn công nghệ, kiểm soát quá trình gia công thiếu chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều; không thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý chứng minh cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn áp dụng cho độ biến dạng vòng uốn và áp suất thiết kế thủy tĩnh. Đối với nhà thầu thì đã thi công "ẩu" như nêu ở trên, trong khi đó nhà thầu giám sát lại thiếu trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trong quá trình thi công. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.

Nhưng, từ đó đến nay chưa thấy cá nhân hay đơn vị được nêu ở kết luận lên tiếng nhận trách nhiệm. Cũng không thấy cơ quan quản lý nhà nước nào truy đến nơi đến chốn trách nhiệm của các bên liên quan. Hậu quả, dự án hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục vỡ đến lần thứ 9, mỗi lần khắc phục cũng tốn kém tiền tỷ. Nguy hiểm hơn, việc khắc phục lại hoàn toàn bị động do chất lượng ống không đồng đều, có thể bục vỡ bất cứ lúc nào, bất cứ điểm nào. Hơn 70.000 hộ dân, với khoảng 1 triệu người sử dụng nguồn nước sông Đà luôn sống trong lo âu, thấp thỏm, bức xúc vì nước sinh hoạt có thể mất bất kỳ lúc nào; đồng nghĩa với sinh hoạt bị xáo trộn. Hóa ra, vỡ đường ống nước lại "vỡ" thêm những "lỗ hổng" trong quản lý. Nói như ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định pháp luật đầu tư, việc tổ chức đầu tư và quản lý chất lượng của công trình hàng nghìn tỷ đồng này được phó mặc cho chủ đầu tư. Tại thời điểm triển khai dự án nước sạch sông Đà, không có quy định việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia trực tiếp quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu. Nói cách khác, cả nghìn tỷ đồng tiền đầu tư sử dụng ra sao, hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực của chủ đầu tư và các nhà thầu.

Ngày 15-7, trước đòi hỏi của dư luận, ông Vũ Quý Hà, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đã chính thức xin lỗi các khách hàng và cho biết Vinaconex nghiêm túc kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân trong ban lãnh đạo và nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội và nhân dân Thủ đô do đã để các sự cố vỡ ống dẫn nước đáng tiếc xảy ra. Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị liên quan gồm nhà thầu sản xuất ống, nhà thầu thi công, giám sát, tổng thầu thiết kế và ban quản lý dự án kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định. Giai đoạn 2 của dự án - gồm việc nâng công suất nhà máy nước và xây dựng tuyến ống số 2 - Vinaconex đang hoàn tất thủ tục; loại ống truyền tải được lựa chọn phù hợp, bảo đảm an toàn, thi công trong thời gian nhanh nhất có thể.

Theo ông Lê Quang Hùng, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng còn có trách nhiệm bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân. Cụ thể, Vinaconex vận hành đường ống, khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế; tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 theo quy hoạch của dự án. UBND TP Hà Nội nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, tài chính hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý sẽ cùng các đơn vị liên quan tìm mọi biện pháp bảo đảm cung ứng nước cho người dân. Như vậy là trách nhiệm tập thể đã rõ. Tuy nhiên, điều dư luận vẫn đang chờ là trách nhiệm của từng cá nhân liên quan và hình thức xử lý thế nào?!.

Y Linh