Tích cực hỗ trợ người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 05:38, 16/07/2014
- Đại sứ có thể cho biết tình hình cộng đồng người Việt tại khu vực xung đột miền Đông Ukraine hiện nay?
- Cộng đồng người Việt tại vùng đang xảy ra chiến sự hiện nay có khoảng 300 người, chủ yếu tập trung ở Donestk. Trước những diễn biến phức tạp tại đây, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân. Cụ thể, từ cách đây 1-2 tháng, Ban Công tác cộng đồng đã thực hiện việc sơ tán người Việt ra khỏi vùng chiến sự. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, người Việt còn nhà cửa, tài sản, hàng hóa, nên thời gian đầu, bà con vẫn cố gắng bám trụ lại và chỉ đưa con em mình đến trú ngụ tại các địa phương lân cận yên bình hơn. Thế nhưng, những ngày gần đây, quân đội chính phủ triển khai nhiều cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng vào lực lượng ly khai đang trú ngụ tại khu vực nên nhiều bà con còn ở lại đã buộc phải sơ tán. Cách đây 3 ngày, Ban Công tác cộng đồng đã đón nhóm sơ tán đầu tiên trong đợt này về thủ đô Kiev.
Lực lượng biểu tình có vũ trang tại trạm kiểm soát ở Makiivka, cách Donetsk khoảng 15km về phía đông ngày 11/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
- Công tác hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho người Việt sơ tán được thực hiện thế nào, thưa Đại sứ?
- Bảo hộ công dân, bảo đảm an ninh cộng đồng là nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của cơ quan đại diện của người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ quán đã có kế hoạch rất cụ thể, chu đáo, phối hợp với nhiều công ty Việt Nam tại Ukraine và trung tâm thương mại để bố trí chỗ ăn ở cho bà con. Nhiều gia đình người Việt tại đây cũng sẵn sàng tạo điều kiện để giúp đỡ bà con sơ tán.
- Hiện tại còn nhiều người Việt Nam ở lại vùng chiến sự không, thưa Đại sứ?
- Vì bà con sơ tán rải rác trong vòng 2 tháng qua, các gia đình cũng không đi hết toàn bộ. Bên cạnh đó, tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, khó có thể ra, vào các vùng giao tranh nên việc xác định số người Việt ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đại sứ quán đã cử bộ phận tiến hành rà soát để sớm có được con số cụ thể. Song có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, bà con người Việt vẫn an toàn, chưa có trường hợp nào bị thương vong.
- Đại sứ có thể cho biết tâm tư của bà con trong lúc khó khăn này?
- Tâm lý của bà con nhìn chung là lo ngại. Trước hết là vì tình hình kinh doanh chậm, không bán được hàng hóa, thu nhập giảm đi rất nhiều trong khi đó tiền thuê cửa hàng và nhiều chi phí khác vẫn phải trả. Thứ hai là lo bảo đảm an ninh an toàn cho tính mạng. Ngoài ra, bà con cũng lo ngại những thay đổi trong chính sách sắp tới của Ukraine sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Tuy có nhiều lo ngại nhưng bà con vẫn không muốn rời bỏ Ukraine vì đây là mảnh đất họ đã nhiều năm gắn bó coi như quê hương thứ hai của mình.
- Đại sứ có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi chính sách của Ukraine sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của bà con ta thế nào?
- Ukraine đang trên đường hội nhập Châu Âu và mới vừa ký kết Hiệp định liên kết với Liên minh Châu Âu (EU). Quá trình hội nhập đòi hỏi Ukraine phải thay đổi 300-400 điều luật, trong đó có nhiều chính sách về kinh tế. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới công việc kinh doanh của các doanh nghiệp và tiểu thương Việt Nam đang làm ăn tại Ukraine. Đặc biệt là các hộ buôn bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chính quyền tiến hành thắt chặt quản lý. Để góp phần giúp bà con thích nghi với những thay đổi mới, Đại sứ quán đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cộng đồng để phổ biến cụ thể những diễn biến của khủng hoảng và thông tin những chính sách mới; đồng thời, cùng các doanh nhân, doanh nghiệp thảo luận và đưa ra hướng đi phù hợp, giúp cho cộng đồng không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn có thể thích nghi với những điều kiện mới.
- Xin cảm ơn Đại sứ!