Cần chuyển từ cơ chế “tĩnh” sang “động”
Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 15/07/2014
Hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho biết, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là đối với hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, trên nguyên tắc của một Nhà nước thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. Tuy nhiên, vấn đề này quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 lại có những hạn chế nhất định. Bất cập nhất là nội dung về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã cơ bản giống nhau; không phân biệt rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu UBND; chưa phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn trong điều kiện hiện nay. Mặt khác, theo thống kê, từ năm 1993 đến 2013, trung bình cứ 2 năm tăng thêm 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh, mỗi năm tăng thêm 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 60 đơn vị hành chính cấp xã do chia tách các đơn vị hành chính. Đây là một trong những yếu tố làm tăng biên chế, đơn vị hành chính thời gian qua trên cả nước, trong khi việc kiểm tra, giám sát còn khiêm tốn.
Một buổi hội thảo về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức. |
Do đó, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đang khẩn trương lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thay thế Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Dự án gồm 9 chương, 170 điều, cập nhật những vấn đề, sự thay đổi theo quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính; việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Mục tiêu hướng đến là sớm ổn định quy mô đơn vị hành chính các cấp, hạn chế chia tách, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền mỗi tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, để làm rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương, căn cứ quy định tại Điều 111, Hiến pháp năm 2013, dự án quy định rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 3 địa bàn: nông thôn, đô thị và hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, không tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính quận, phường (quận, phường chỉ tổ chức UBND là đại diện của UBND thành phố, thị xã tại địa bàn). Các đơn vị hành chính còn lại theo Hiến pháp năm 2013 (tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ) đều tổ chức cấp chính quyền có HĐND và UBND. Ngoài ra, một điểm mới đặc biệt nữa là bỏ chức danh Ủy viên thường trực HĐND; thành lập thêm Ban Đô thị của HĐND thành phố, thị xã.
Gắn công việc với trách nhiệm
Luật gia Lê Quang Vững, công tác tại Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là một dự án luật đáng ghi nhận về chất lượng và nếu thực hiện thành công sẽ tăng tính độc lập của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cần nêu rõ công việc cả chính quyền TƯ và địa phương trong các văn bản hướng dẫn để tránh chồng chéo. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp trong nhiệm vụ được giao. Liên quan đến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp, ban soạn thảo không nên quy định chi tiết mà chỉ quy định khung các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản để tránh trường hợp luật khó ứng dụng, nhanh bị lỗi thời.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, một điểm quan trọng rất mới mà Hiến pháp đã khẳng định, tạo cơ sở định hướng cải cách cơ bản đối với chính quyền địa phương, đó là phân biệt, không đồng nhất "đơn vị hành chính" với "cấp chính quyền địa phương" cũng cần xem xét kỹ. Theo Hiến pháp, cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Theo tinh thần này, chính quyền địa phương có thể được hiểu một cách mềm dẻo theo 2 nghĩa đồng thời: Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND và chính quyền địa phương chỉ có cơ quan hành chính là UBND, không có HĐND. Vì vậy, cần tiến hành xây dựng dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương song song với tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để trả lời chính xác câu hỏi cần tổ chức cấp chính quyền địa phương (bao gồm HĐND và UBND) tại những loại đơn vị hành chính nào và loại đơn vị hành chính nào sẽ tổ chức chính quyền địa phương mà không có HĐND. Với những địa bàn quyết định không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thì dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhất thiết phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND được điều chỉnh, chuyển giao cho HĐND, UBND cấp trên cụ thể ra sao. Luật cũng phải nêu thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch UBND và thành viên khác của UBND quận, huyện, phường ở những nơi không tổ chức HĐND. Còn như hiện nay, các điều luật về mô hình tổ chức còn "tĩnh", cứng nhắc, nên có thể khó phù hợp với nhiều địa bàn, các quy định về tổ chức rất ít và nằm rải rác ở các mục. Vị trí thường trực HĐND không quy định rõ số lượng phó chủ tịch gây nhiều cách hiểu khác nhau.
Nội dung phân cấp, phân quyền giữa chính quyền TƯ và chính quyền địa phương quy định tại chương III trong dự án luật có ý nghĩa quan trọng, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là rất cần thiết. Nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ sáu, thứ bảy, Quốc hội khóa XIII còn cho thấy, bên cạnh những công việc hoàn toàn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương, có nhiều công việc thuộc thẩm quyền của cả cơ quan chức năng TƯ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, y tế, giao thông. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải có cơ chế kiểm soát, phân định trách nhiệm rõ ràng theo hướng một việc chỉ do một cơ quan hoặc một cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính. Cũng cần phân định rõ trách nhiệm của tập thể UBND và trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND. Trên cơ sở đó tạo tiền đề phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý điều hành mọi hoạt động trên địa bàn họ phụ trách.