Ngân hàng ''hút ròng'' 110.400 tỷ đồng
Tài chính - Ngày đăng : 17:56, 23/09/2022
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện mua tín phiếu kỳ hạn ngắn với giá trị bình quân gần 1.000 tỷ đồng/phiên để hỗ trợ thanh khoản cục bộ cho một số tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện bơm tiền đồng ra ngoài thông qua thị trường mở với giá trị xấp xỉ 66.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay khi ghi nhận những biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã một lần nữa đảo chiều dòng tiền trên thị trường tín phiếu.
Ngoài ra, việc lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bán ra tăng từ 4%/năm lên 4,5%/năm cũng cho thấy quyết tâm giảm khối lượng tiền đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại của cơ quan quản lý. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận trả mức lãi suất cao hơn để các ngân hàng thương mại dùng tiền đồng mua lại tín phiếu kỳ hạn.
Với việc áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Fed tăng lãi suất, việc Ngân hàng Nhà nước rút về lượng lớn tiền đồng trong hệ thống ngân hàng sẽ làm giảm khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng, từ đó làm giảm vòng quay tiền. Chính sách này có mục tiêu trực tiếp là giảm tỷ lệ lạm phát.
Ngoài ra, việc giảm khối lượng tiền đồng trong hệ thống ngân hàng cũng giúp lãi suất cho vay VND trên kênh liên ngân hàng duy trì ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất vay USD (trên 5% so với trên 2%). Điều này làm hạn chế nhu cầu nắm giữ USD từ các ngân hàng thương mại, qua đó tác động hạ nhiệt tỷ giá gián tiếp trên thị trường.