Bài 1: Nước mắt nhà nông (tiếp)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 15/07/2014

(HNM) - Mấy năm gần đây nông dân Đà Lạt khóc dở mếu dở khi nông sản mà họ mất nhiều công sức làm ra lại không thể tiêu thụ được hoặc phải bán dưới giá thành.

Ông Phạm Văn Phước, thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) đang thu hoạch khoai tây cuối vụ.


Đau đầu vì khoai tây Tàu

Xuôi con dốc Đa Quý (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt), những ruộng rau xanh mướt đang tắm dưới ánh nắng vàng óng như muốn níu kéo vòng quay của bánh xe máy lại. Qua vài lần hỏi đường, chúng tôi tìm tới nhà anh Nguyễn Đức Bình ở tổ 3, thôn Đa Quý. Anh Bình là một trong những nông dân trồng khoai tây và cà rốt có hạng ở Xuân Thọ, nơi được biết đến là vựa trồng khoai tây, cà rốt của Đà Lạt.

Nhà anh Bình có 1,5ha đất. Mùa vừa rồi, rút kinh nghiệm dăm mùa trước, anh chỉ trồng 5 sào khoai tây, thu hoạch được 13 tấn. Chỗ đất còn lại anh trồng súp lơ xanh và cải bắp. Vào dịp thu hoạch khoai, anh bán ngay tại ruộng chỉ được 7.000 đồng/kg. Lãi lời không được là bao nhưng anh vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người trồng khoai khác ở đây. Anh Bình cho biết, mấy năm trước, khi các cơ quan chức năng chưa siết chặt thị trường, để khoai tây Trung Quốc "làm mưa làm gió", nhiều người trồng khoai tây ở Xuân Thọ bị lỗ nặng. Kể từ khi 26 tấn khoai tây Trung Quốc bị bắt và tiêu hủy hồi năm ngoái thì giá cả có đỡ hơn nhưng vẫn không ăn thua. "Người trồng khoai tây ở đây vẫn khổ lắm", anh Bình than thở. Những hộ nào trồng đạt năng suất thì bán 7.000 đồng/kg như anh Bình thì vẫn sống được. Còn những hộ không đạt năng suất, nếu có bán đến 10.000 đồng/kg thì vẫn lỗ, nhiều hộ lỗ rất nặng. Giá khoai tây giảm khiến người trồng khoai khổ sở và còn kéo theo cả người thu gom khoai.

Để minh chứng, anh Bình đưa chúng tôi đi gặp anh Võ Thiện cùng ở thôn Đa Quý, vừa là người trông khoai tây, vừa thu gom khoai tây đưa lên chợ nông sản Đà Lạt bán. Anh Thiện cho biết: Sáng nay, giá khoai tây ở chợ đầu mối là 12.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng gom được hàng vì giờ là cuối vụ. Khoai chính vụ đều đã được thu hoạch và đưa vào trữ, lúc cao điểm giá lên tới 14.000-15.000 đồng/kg. Như vậy, nếu mang khoai đi bán thì mỗi cân khoai tây người mua gom bị lỗ ít nhất là 3.000 đồng vì khoai trữ có tỷ lệ hư hao khá cao.

"Năm nay ai trữ khoai thì chết ngắc luôn", anh Thiện nhận định. Kho của anh Thiện có sức chứa 150 tấn nhưng năm nay anh chỉ thu gom có 25 tấn, còn lại là những người thu gom khác gửi trữ hộ. Vì nhắm tình hình không ăn thua nên anh Thiện không dám trữ. Anh Thiện cho biết, sau khi trừ tiền xe và tiền phí thì chỉ lời 500 đồng/kg. Thậm chí có lúc chỉ lời 300 đồng/kg nhưng vì đi nhiều nên anh Thiện vẫn kiếm được chút đỉnh.

Ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng Kinh tế TP Đà Lạt thừa nhận: "Chúng tôi đang đau đầu vì khoai tây Trung Quốc mà chưa tìm ra cách nào để giúp được bà con nông dân". Khi xe nhập hàng khoai Trung Quốc về đều có hóa đơn giấy tờ đàng hoàng, liên ngành chỉ có thể tiêu hủy khoai tây khi phát hiện ra dư lượng chất cấm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nếu không thì vẫn phải cho lưu thông bình thường.

Không chỉ có khoai tây

Để khẳng định thêm tình cảnh khóc dở, mếu dở của nông dân ở Xuân Thọ, anh Bình tiếp tục dẫn chúng tôi đi gặp anh Phạm Văn Phước người cùng thôn đang thu hoạch ruộng khoai tây cuối cùng để làm giống cho vụ sau. Khoảnh ruộng ngay trước nhà, anh trồng 3.000 cây mô thì thu được khoảng 15.000 củ. Anh Phước đã thu hoạch và bán 1 tạ khoai to nhưng cũng chỉ đủ bù chi phí. Hiện còn những củ nhỏ, anh sẽ lựa chọn để làm giống cho vụ tiếp theo.

Vừa gặp, anh Phước đã ngao ngán: "Bông chết quá, Bình ơi". Anh cho hay, rằm tháng 5 vừa rồi, nhà nào trồng hoa cúc ở Đà Lạt cũng bị lỗ nặng. Anh Phước nhẩm tính, đợt vừa rồi giá bán hoa cúc là 2,3 triệu đồng cho 10.000 bông, trong khi giá thành để trồng 10.000 bông cúc là 2,8 triệu đồng. Nhiều vườn hiện để hoa nở trắng vườn vì không tiêu thụ được. Nhiều gia đình sau khi bán vội hoa để thu hồi vốn được chút nào hay chút ấy thì cũng không dám xuống giống cây gì vì sợ trồng cây gì cũng "chết".

Không chỉ người trồng khoai, trồng hoa khóc dở mếu dở mà người trồng cải bắp cũng kêu trời. Thấy có người đến hỏi thăm, chị Hà Thị Ngọc, nhà ở phường 9 TP Đà Lạt trút bầu tâm sự: "Làm sú (cải bắp - PV) mấy năm trước còn được, năm nay thì muốn đói đến nơi". Cải bắp còn nguyên lá xanh chỉ bán được 2.500 đồng/kg, nếu bóc đến lá trắng thì mới được 3.500 đồng/kg. Cũng như nhiều nông dân Đà Lạt khác, chị Ngọc không biết tại sao giá cải bắp đã hạ thấp như thế mà vẫn bán chậm.

Nếu như Xuân Thọ là "thủ đô" của khoai tây và cà rốt Đà Lạt thì phường 7 là nơi nông dân tập trung trồng hành tây. Mới cuối tháng 5 vừa rồi, người trồng hành tây ở phường 7 đã phải đổ đi cả trăm tấn hành tây vì không thể bán được dù giá bán thấp hơn giá thành. Ông Quang nhà ở phường 7 cho biết, lúc mới thu hoạch, hành tây giá cỡ 5.000 đồng/kg. Càng vào chính vụ giá càng giảm, có lúc chỉ còn 4.000 đồng/kg. Giá hành giảm không những khiến người trồng hành khóc ròng mà còn khiến những người thu gom hành tây chỉ còn nước ngồi trên đống hành mà chảy nước mắt. Oái oăm ở chỗ là dù có bán lỗ cũng rất ít nơi ăn hàng.

Ông Trương Hữu Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt bộc bạch: "Thấy tình cảnh đó cũng đau lòng lắm chớ. Hàng của họ không bằng hàng của mình mà lại đè chết hàng của mình thì không thể không xót ruột được".

Sự bức xúc, bực dọc của hàng chục nghìn nông dân ở TP Đà Lạt còn là nỗi niềm của hàng chục triệu nông dân ở khắp các vùng miền trên cả nước. Không uất ức sao được khi họ đã tốn bao nhiêu công sức, tâm trí để sản xuất ra những nông sản, chất lượng cao hơn hẳn những mặt hàng cùng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc mà lại không bán được hoặc bán thì lỗ vốn. Ví như dừa khô, có lúc mặt hàng này bị thổi giá vọt lên tới 100.000 đồng/chục trái nhưng chỉ 2 ngày sau giá tụt xuống chỉ còn 15.000 đồng/chục. Đỉa cũng bị đẩy giá lên tới cả triệu đồng 1kg và chỉ sau một thời gian ngắn thương lái Trung Quốc bỗng nhiên mất hút khiến hàng trăm kilôgam đỉa trở nên vô giá trị, thế là người dân không biết xử lý thế nào đành vứt xuống ao hồ để trở thành tai họa. Rồi đến lá điều khô chẳng có giá trị gì bỗng nhiên được đẩy giá có lúc lên tới 1.000 đồng/kg. Nông dân dại dột đến mức phun thuốc cho lá điều rụng để gom đem bán, thậm chí có người tính thấy lá điều bán có lợi hơn chăm để thu hột điều nên đã chặt cây phơi lấy lá. Kết quả là nhiều vườn điều lâm vào cảnh… tiêu điều.

Còn rất nhiều những thứ khác nữa như ốc bươu vàng, rễ cây sim, chân trâu, hoa ngâu, lá cây phong ba… cũng được thu mua theo phương thức ấy. Đau đớn là rất nhiều nông dân đã mang hết tài sản của mình đi thu gom nông sản, đến khi gom đủ hàng thì thương lái Trung Quốc lặn mất tăm, khiến nhiều người rơi vào cảnh tiền mất, tật mang mà chẳng biết kêu ai? 

Nhóm PV Phóng sự - Điều tra