Chuyển biến chưa đồng bộ
Chính trị - Ngày đăng : 06:09, 15/07/2014
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Hoàn Kiếm được đầu tư theo hướng hiện đại, khang trang, đồng bộ, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Hải |
Ngay từ đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị tăng cường ứng dụng họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung để tiết kiệm chi phí. Đến nay, tỷ lệ trao đổi văn bản qua thư điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố đạt 85%; 100% các cơ quan, đơn vị gửi nhận văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký điện tử. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hòm thư điện tử ngày càng cao. Tính đến ngày 30-5, thành phố đã cấp 24.460 hòm thư điện tử. Hiện đã có 100% UBND quận, huyện, thị xã và 55% xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm "Một cửa điện tử liên thông". 100% UBND quận, huyện, thị xã và 60% UBND xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của thành phố trong việc phối hợp công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC). Tính đến ngày 31-5, tổng số TTHC công khai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố là 1.696 thủ tục. Trong đó có 1.301 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở; 268 TTHC của cấp huyện và 127 TTHC của cấp xã. Hiện một số quận đã hoàn thành việc đầu tư mới, đưa vào sử dụng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng hiện đại, khang trang, đồng bộ, sạch đẹp như: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm... Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai thực hiện đề án "Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố". Một số quận, huyện cũng đang triển khai các đề án nhằm giải quyết tốt TTHC như: Đề án "Xây dựng huyện Thạch Thất trở thành mô hình điểm về CCHC trong đó áp dụng mô hình cơ quan điện tử"; đề án "Xây dựng cơ quan điện tử và mô hình giải quyết, quản lý, lưu trữ hồ sơ TTHC hoàn toàn điện tử tại quận Ba Đình giai đoạn 2014 - 2016".
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Thành ủy về kết quả điều tra xã hội học công tác cải cách TTHC và sự hài lòng của người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, về cơ bản, người dân hài lòng với điều kiện cơ sở vật chất nơi thực hiện giao dịch hành chính cũng như thái độ, ý thức phục vụ và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó cũng là điều đáng mừng, tuy nhiên, hiện một số nơi vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chưa nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác CCHC. Điển hình như các phần mềm dùng chung được thành phố chuyển giao tại một số đơn vị sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực đầu tư. Ở khối huyện, kết quả ứng dụng CNTT còn thấp, mới chủ yếu sử dụng phần mềm ở mức quản lý văn bản đi, đến. Thậm chí, có một số đơn vị đã được triển khai nhưng không sử dụng như: Sở VH-TT&DL, các quận, huyện: Ba Đình, Hoài Đức, Mỹ Đức... Đáng chú ý, một hạn chế tồn tại trong nhiều năm đến nay vẫn chưa chuyển biến là việc không thực hiện đúng chế độ báo cáo. Đầu tháng 5-2014, Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn về việc chuẩn bị báo cáo CCHC 6 tháng đầu năm 2014, trong đó đề nghị một số sở báo cáo về tình hình thực hiện các nội dung CCHC. Song, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu như các sở: Tư pháp, Tài chính, KH-CN, GD-ĐT, Y tế... Việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội của thành phố đã triển khai thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay một số sở (NN&PTNT, GT-VT, Xây dựng, VH-TT&DL) vẫn không hoàn thành việc lập danh mục các công trình thuộc thành phố quản lý và danh mục công trình phân cấp cho cấp huyện, cấp xã quản lý. Ngay cả cơ chế phối hợp giữa ngành và cấp trong quản lý của ngành cũng chưa xây dựng, ban hành gây khó khăn cho cấp huyện, cấp xã trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, thành phố đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết và xây dựng quy trình liên thông nhưng đến nay cũng chưa có kết quả cụ thể.
Dễ thấy, những hạn chế tồn tại trong công tác CCHC đều là những vấn đề không mới, đã được nhìn nhận qua nhiều lần sơ kết, tổng kết của các đơn vị và thành phố. Nên chăng, thành phố cần có những biện pháp kiên quyết, hiệu quả hơn trong việc đôn đốc, nhắc nhở cũng như xử lý các đơn vị có thiếu sót lâu năm, chậm chuyển biến, để công tác CCHC của thành phố ngày càng đem lại kết quả tích cực.