Nhân lực cao cấp cho khách sạn: Thiếu trầm trọng

Du lịch - Ngày đăng : 06:57, 14/07/2014

(HNM) - Tại hội thảo


10 sinh viên không tuyển nổi 1

Theo Chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì đến năm 2020, Việt Nam dự kiến đón 10-10,5 triệu khách quốc tế, 47-48 triệu lượt khách nội địa, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó 870.000 lao động trực tiếp liên quan đến ngành du lịch. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ có 580.000 phòng lưu trú, trong đó 35-40% đạt tiêu chuẩn 3-5 sao và sẽ cần rất nhiều nhân lực cho ngành du lịch. Hiện mỗi năm ngành du lịch đã cần tới 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường/năm, trong đó có 12% từ các trường đại học, còn lại là từ các trường cao đẳng và trường dạy nghề.

Học sinh học nghề phục vụ bàn khách sạn Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa.Ảnh: Bảo Lâm



Theo bà Phùng Thanh Yến, Trưởng phòng nhân sự khách sạn Movenpick, nguồn nhân lực do các trường đào tạo trong nước hiện tại không đáp ứng được nhu cầu cho các khách sạn 5 sao, khu resort đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhân lực để giữ vị trí cao cấp như điều hành, trưởng bộ phận thì hầu như không có. Bà Yến cho biết, trong 100 sinh viên thực tập tại khách sạn chỉ 5-10 em được nhận vào làm. Sinh viên tốt nghiệp hầu hết đều thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, tiếng Anh kém. Một trong những trở ngại khác đối với công tác nhân sự ngành du lịch khách sạn hiện nay là nhiều bạn trẻ không có đam mê nghề nghiệp và mang tâm lý đây là nghề "phục vụ người khác". "Các bạn sinh viên học ngành du lịch nhưng không yêu ngành hoặc không chịu được áp lực của nghề. Ngành du lịch đòi hỏi sự kiên nhẫn, tính chịu đựng cao, khả năng thích ứng với môi trường, có thể là môi trường nắng nóng thời gian dài, 10-12 tiếng mỗi ngày nên bạn nào không yêu nghề thì khó mà trụ lại được" - bà Yến cho hay.

Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch, khách sạn và nhà hàng, Phòng Thương mại Châu Âu Việt Nam (Eurocharm) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng thiếu nhân lực và nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công việc là Việt Nam áp dụng hệ thống giáo dục không phù hợp, không cập nhật xu thế thế giới, đồng thời quá chú trọng đến lý thuyết mà thiếu các kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, việc đối thoại giữa Bộ GD&ĐT với Bộ VH-TT&DL rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc cải cách giáo dục của Việt Nam. Ông phân tích, ngành du lịch có những đặc thù riêng đòi hỏi những người làm chính sách phải hiểu ngành công nghiệp này cần những kỹ năng, kiến thức thực tế gì để đưa vào chương trình đào tạo. "Bản thân tôi học ở trường khách sạn của Berlin, Đức. Một năm, 4 lần trường tôi mời giám đốc nhân sự của các khách sạn đến để họ đưa ra những lời khuyên nên xây dựng chương trình học cho sinh viên như thế nào nhằm đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp này nhưng ở Việt Nam, việc này dường như là không tưởng", ông Kai cho biết.

Chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường

Thực tế, nhiều khách sạn đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ để hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch, song chưa thực sự hiệu quả do hầu hết sinh viên có thời gian thực tập quá ngắn. "Sinh viên chỉ gia nhập với khách sạn trong 3 tuần hay 1 tháng thì không đủ để hiểu hết nội quy tại khách sạn chứ đừng nói đến việc được trực tiếp giao tiếp, tiếp xúc với khách hàng", một chuyên gia về du lịch khách sạn cho hay.

Bà Phùng Thanh Yến cũng chia sẻ, đôi khi khách sạn có sự kiện lớn, cần khoảng 100 em sinh viên đến làm việc, khách sạn liên hệ với các trường ĐH, CĐ thì các em thường từ chối vì các em không thể nghỉ học. Nhà trường quy định, nếu không đi học, các em sẽ không được thi, không thể tốt nghiệp. "Đây là điều rất thiệt thòi cho sinh viên Việt Nam. Tại các trường đại học ở nước ngoài như tôi được thấy, họ có thời gian cho sinh viên đi thực tập cũng như tiếp cận thực tế nhiều hơn thời gian đi học. Ví dụ ở Đức, họ học 3 ngày ở trường, thực tập ở khách sạn 3 ngày. Nhờ đó, sinh viên trưởng thành, có vốn tiếng Anh tốt, vốn lý thuyết tốt. Và khi các em có được kiến thức thực tế, nắm được cách quản lý thì sau này các em ra trường, khoảng cách tối thiểu lên các vị trí cao cấp sẽ ngắn hơn", bà Yến khẳng định.

Để giải quyết vấn đề nhân sự cao cấp cho ngành du lịch khách sạn, ông Kai cho rằng, ngành GD-ĐT nên mời các bên liên quan đến ngành du lịch khách sạn và tìm hiểu nhu cầu thực tế của ngành này từ đó cải cách chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế. "Đây không phải là vấn đề liên quan đến tiền bạc hay điều gì khó khăn. Mà thực sự ở đây là Việt Nam phải rộng mở sân chơi cho các chương trình quốc tế, đơn vị quốc tế muốn đầu tư giáo dục đào tạo của Việt Nam", ông Kai chia sẻ.

Năm 2015, Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch tại các nước ASEAN (MRA) sẽ có hiệu lực, khi đó, lao động sẽ có quyền xin việc ở 13 nước ASEAN. Nếu nhân sự Việt Nam không cạnh tranh được thì các vị trí trưởng bộ phận, điều hành sẽ rất dễ rơi vào tay người Malaysia, Philippines hay Thái Lan... Và đây là điều rất đáng tiếc cho ngành du lịch khách sạn Việt Nam.

Lâm Vũ