Người dân khốn khổ vì ô nhiễm
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:23, 13/07/2014
Không những thế, hàng trăm tấn thịt trâu, bò mỗi ngày "ra lò" tại đây không được kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giải quyết tình trạng này, từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có chủ trương xây dựng khu giết mổ tập trung, và đến năm 2012 UBND TP Hà Nội đã có quyết định xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn "nằm trên giấy".
Môi trường tại thôn Xảo Hạ bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Sống chung với ô nhiễm
Chúng tôi đến thôn Xảo Hạ, xã Quang Lãng vào một buổi chiều hạ với cái nắng oi nồng. Phía sau cổng làng rêu phong là những ngôi nhà cao tầng kiểu dáng tân thời như minh chứng cho sự sung túc của người dân nơi đây. Có điều, hiện hữu trong sự giàu có ấy là không khí ngột ngạt, nồng nặc mùi xú uế do các lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm sâu trong khu dân cư xả thẳng chất thải ra môi trường. Tại lò mổ của gia đình anh Vương Văn Bính thôn Xảo Hạ, dù chưa phải giờ "cao điểm" nhưng hàng chục con bò nhập từ Thái Lan về đã được tập hợp tại sân nhà. Dưới cái nóng mùa hè 37 độ C, người lao động vẫn vô tư xả thẳng chất thải của đàn bò ra môi trường xung quanh.
Không chỉ riêng nhà anh Bính, ở các lò mổ tại thôn Xảo Hạ hầu như không có biện pháp thu gom, xử lý rác, nước, chất thải. Điều đó lý giải tại sao không khí, nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nặng, mùi hôi thối của phân trâu bò bốc lên từ đầu tới cuối thôn. Và do mặt bằng chật hẹp, phân trâu, bò, tiết đọng cộng với xương động vật được gom lại thành đống bốc mùi nồng nặc khiến không khí vô cùng ngột ngạt. Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lãng Vũ Văn Phi cho biết, xã có 8 thôn, nhưng chỉ có thôn Xảo Hạ làm nghề giết mổ trâu bò, với khoảng 15 hộ, trung bình một đêm giết khoảng 200 con, cung cấp thực phẩm cho Thủ đô. Một số hộ giết mổ lớn đã xây hầm bioga nhưng không xuể, chất thải tích tụ tràn ra ngoài đường làng gây ô nhiễm nặng nề. Ông Đặng Chí Mẽ - Trưởng thôn Xảo Hạ cho biết, Xảo Hạ là làng cổ, bình quân mỗi một hộ có 360m2 vừa làm nhà ở, vừa làm nơi giết mổ gia súc khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng. Tiếng là làng nhưng ở đây không có cây cối, vườn tược. Nhiều lúc người dân không thể chịu được với mùi phân thải ở cống rãnh, đã thuê xe ô ô đến múc, thau rửa cống rãnh để tránh ngập, dềnh nước cống vào nhà song cũng bất lực vì toàn bộ hệ thống cống rãnh chất thải của phân trâu, bò đều cùng chung với cống rãnh của khu dân cư, gây ứ đọng thường xuyên. Cũng do môi trường bị ô nhiễm, nhiều chủ hộ giết mổ đã mất mối làm ăn. Cũng theo ông Mẽ vốn là những người năng động, một số hộ dân nơi đây đã "tiến quân" vào lĩnh vực giết mổ thịt bò Australia với 20 con/ngày. Tuy nhiên, khi Đoàn chuyên gia của Australia sang thăm cơ sở giết mổ, nhìn cảnh môi trường ở đây đã cắt hợp đồng, không cung cấp bò cho các cơ sở ở đây giết mổ.
Tương tự tại thôn Bái Đô xã Tri Thủy - hàng xóm của Quang Lãng, hoạt động giết mổ trâu, bò thường diễn ra tại hộ gia đình từ 22h đêm hôm trước tới 4h sáng hôm sau. Chỉ tính riêng tại thôn Bái Đô đã có tới hơn 30 hộ làm nghề giết mổ trâu, bò, chưa kể những hộ "vệ tinh" làm các nghề ăn theo như: Buôn bán nội tạng, sừng, xương, da… Trung bình mỗi ngày tại Bái Đô cũng có khoảng 200 con trâu, bò bị giết thịt nhưng những ngày giáp Tết con số này còn tăng lên gấp đôi, khoảng từ 300 đến 400 con/ngày. Khi đặt vấn đề về tình trạng ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống, đa số người dân tại Xảo Hạ và Bái Đô đều cho rằng: Họ phải chấp nhận "sống chung với ô nhiễm" vì đây là nghề làm ra miếng cơm manh áo. Biết là ô nhiễm, biết là bệnh tật sẽ không sớm thì muộn cũng "bủa vây" làng xã song vẫn phải làm. Vì vậy, khi nghe đến dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung triển khai trên địa bàn, người dân ai cũng phấn khởi. Nhưng gần chục năm qua, trải qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi, đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Ông Ngô Xuân Hóa - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, ở 2 làng nghề giết mổ trâu, bò này, các hộ giết mổ tự phát và chủ yếu làm vào ban đêm nên công tác kiểm tra, đánh giá nguồn gốc xuất xứ rất khó khăn. Để đánh giá tác động ô nhiễm môi trường, năm 2012, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) đã có kết quả quan trắc và mức độ ô nhiễm ở đây điều vượt giới hạn cho phép như: Chất cotiforn vượt 2 lần cho phép, Fe (sắt) vượt 1,5 lần… Trước thực trạng đó, năm 2013 các ngành chức năng đã cho xây dựng một mô hình áp dụng công nghệ xử lý nước thải ở thôn Bái Đô nhưng cũng không cải thiện được tình hình, nên không triển khai được rộng rãi.
Cơ chế đầu tư thiếu đồng bộ
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại địa phương, từ năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây đồng ý chủ trương cho xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung. Sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ ở Tri Thủy, Quang Lãng. UBND huyện Phú Xuyên được giao thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào với tổng mức đầu tư là 79,5 tỷ đồng (kinh phí cho GPMB là 37,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn "nằm trên giấy" mà nguyên nhân chủ yếu là chưa thực hiện được công tác GPMB do cơ chế đầu tư, phân bổ vốn cho các hạng mục của dự án thiếu thống nhất. Theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty HADICO, ngày 12-7-2012, UBND TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc tập trung Quang Lãng, Tri Thủy, thời gian từ năm 2012-2014 với quy mô dự kiến 30 con trâu, bò/giờ trên diện tích gần 3ha, tổng kinh phí xây dựng lò mổ là 78,6 tỷ đồng. Mặc dù kinh tế rất khó khăn, nhưng công ty coi đây là dự án giải quyết những bức xúc dân sinh nên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có mặt bằng để triển khai dự án. Còn theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ GPMB thì đơn vị đã làm đủ các thủ tục GPMB theo quy định, UBND huyện Phú Xuyên đã có Tờ trình số 1016/TTg-UBND ngày 4-9-2012 và hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đề cương chuẩn bị GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào nhà máy giết mổ. Tuy nhiên, ngày 21-9-2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 3271/ KHĐT-QH cho ý kiến là dự án trên chưa có cơ sở thực hiện theo Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND nên đợi ý kiến của UBND thành phố (Quyết định 77 ngày 10-6-2009 quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Theo đó, doanh nghiệp được giảm 50% đơn giá thuê đất, hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư nhiều hạng mục, được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển thành phố với thời hạn vay tối đa 15 năm, trong đó 1 năm ân hạn). Ngày 11-10-2012 UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục có Văn bản số 1399/UBND đề nghị thành phố cho phép việc đền bù GPMB và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào được thực hiện theo Quyết định 77 để khai thông dự án. Tuy nhiên, cùng trong một dự án xây dựng khu giết mổ tập trung nhưng chỉ có nhà máy giết mổ do Công ty HADICO làm chủ đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 77. Còn lại việc đền bù giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của nhà máy này do UBND huyện Phú Xuyên làm chủ đầu tư thì chưa được đề cập đến nên không có đất để xây dựng.
Về vấn đề này, HĐND thành phố cũng đã có Thông báo số 03/TB-HĐND ngày 7-2-2013 đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành bổ sung kế hoạch vốn 2013-2015 cho dự án này song đến nay vẫn chưa được UBND thành phố phê duyệt, cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư, chưa được bố trí kế hoạch vốn ngân sách thành phố năm 2013-2015… Với một dự án, điều quan trọng nhất để triển khai là phải có đất, vì vậy, người dân cũng như chính quyền xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên rất mong UBND TP sớm có cơ chế, bố trí vốn cho việc bồi thường GPMB của dự án này để tiến hành xây dựng nhà máy, chấm dứt cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở hai làng nghề giết mổ Tri Thủy, Quang Lãng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh ở khu vực này.