Thiếu định hướng, yếu chất lượng đào tạo

Giáo dục - Ngày đăng : 07:14, 12/07/2014

(HNM) - Thông tin cả nước có 162 nghìn cử nhân thất nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 1-7 đang trở thành đề tài


Giáo dục phổ thông: Thiếu định hướng nghề

Sự thất bại trong công tác phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THPT, dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", mất cân đối về cơ cấu lao động của Việt Nam là thực tế đã được đề cập từ lâu. Nhiều giải pháp đã được đề ra nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra sự chuyển biến cần có. Sau khi tốt nghiệp THPT, HS có thể chọn học lên CĐ, ĐH; theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở mức 98-99% như hiện nay, đa số HS đều chọn con đường học tiếp. Nếu không đỗ CĐ, ĐH, các em thường chờ cơ hội thi lại vào năm sau, ít có lựa chọn theo các ngả rẽ khác. Đa số chọn học tiếp lên cấp học cao hơn dù thực tế cho thấy có những em đã phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn hoặc năng lực hạn chế. Hậu quả của việc chọn "sai đường" này là sự lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc đối với cả nhà trường và bản thân người học.

Chủ trương phân luồng để học sinh vào các trường dạy nghề chưa được thực hiện hiệu quả. Ảnh: Anh Tuấn



Nguyên nhân khiến giới trẻ "sai đường", "nhầm đường" xuất phát từ những bất cập, yếu kém trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS ở các trường phổ thông. Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho 3 năm THPT và đưa vào giảng dạy đại trà kể từ năm học 2006 - 2007. Tuy nhiên, thực tế tại các trường phổ thông hiện nay cho thấy, nhận thức và hiệu quả triển khai chương trình này bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí, có nơi chỉ làm cho có, ít quan tâm đến chất lượng. TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam dẫn chứng: Giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm, ít được đào tạo bài bản. Có nơi, giáo viên xin tiết giáo dục hướng nghiệp để dạy môn của mình, mặc sức xin và thoải mái cho. Điều đáng buồn nữa là từ năm học 2008 - 2009 đến nay, thời lượng của chương trình giáo dục hướng nghiệp bị giảm từ 27 tiết/năm học (3 tiết/tháng) xuống còn 9 tiết/năm học (tức 1 tiết/tháng). Cùng với sự giảm về thời lượng giảng dạy, sự bất hợp lý trong nội dung giáo dục hướng nghiệp (không phù hợp với HS các vùng miền, xa rời thực tế) đã khiến nhiều HS không mấy mặn mà với môn này - tất yếu dẫn đến sự hạn chế về chất lượng dạy - học.

Hệ quả từ những hạn chế nói trên là đa số HS "đói" thông tin về nghề nghiệp. Hơn 2/3 số HS lớp 10 đăng ký học ban khoa học tự nhiên, trong khi thực tế nhiều em có năng lực và sẽ có tương lai tốt hơn nếu lựa chọn các hướng khác. Con số hơn 30% HS đăng ký thi ĐH, CĐ trong những năm gần đây chọn các ngành có cái danh "kêu" mà không quan tâm đến khả năng "lọt cửa" cũng là minh chứng cho sự bất cập của công tác định hướng nghề nghiệp ở phổ thông.

Tỷ lệ HS vào học nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp ngày càng giảm. Ở cấp THCS, tỷ lệ này giảm từ 2,08% (năm học 2009 - 2010) xuống còn 1,88% vào năm học 2011 - 2012. Một số tỉnh miền núi có tỷ lệ HS học xong THCS không tiếp tục học THPT hoặc học nghề khá cao (dao động ở mức 20-35%).

Giáo dục nghề nghiệp: Yếu về chất lượng đào tạo

Đề cập đến tình trạng chất lượng đào tạo hệ CĐ, ĐH và dạy nghề chưa phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, dẫn đến nạn thất nghiệp của sinh viên khi ra trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng và nhu cầu của xã hội. Trong giai đoạn 2006 - 2011, Bộ đã cho thành lập nhiều trường CĐ, ĐH. Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhưng vẫn tổ chức hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng nhưng chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện.

Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trong 10 năm (từ 2001 đến 2010), số lượng trường CĐ, ĐH tăng từ 191 lên 414. Tỷ lệ HS tuyển mới vào CĐ, ĐH tăng gấp hơn 2 lần, từ 215 nghìn lên gần 513 nghìn HS. Sự gia tăng quá mức cần thiết về số lượng cơ sở đào tạo cùng sự bất hợp lý về cơ cấu đào tạo (chỉ quan tâm đào tạo những ngành nghề HS cần mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường lao động) đã khiến cho tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" ngày càng trầm trọng.

Một vài giải pháp cấp tốc đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm ngoái, như dừng tiếp nhận hồ sơ thành lập mới, nâng cấp các trường CĐ, ĐH; dừng mở rộng quy mô tuyển sinh các ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán ở các trường khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm khắc phục dần tình trạng cử nhân ở những lĩnh vực này lâm cảnh thất nghiệp. Từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã quyết định dừng việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên phổ thông nhằm tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm nghề dạy học.

Thông tin sơ bộ từ Bộ GD-ĐT cho thấy, tính đến mùa tuyển sinh năm nay, quy mô tuyển sinh ĐH đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, để chất lượng đào tạo nghề nghiệp có chuyển biến thì không thể chỉ trông chờ vào các giải pháp cấp tốc, mà cần sự chỉ đạo nghiêm khắc, quyết liệt và đồng bộ của cơ quan quản lý trong việc điều tiết hoạt động ở các nhà trường. Nếu còn chần chừ, công tác phân luồng HS chắc chắn tiếp tục không đạt hiệu quả cần có.

Thống Nhất