Ngân hàng triển khai nhiều ưu đãi cuối năm

Tài chính - Ngày đăng : 21:11, 23/09/2022

(HNMO) - Sau khi được cấp thêm hạn mức tín dụng, hàng loạt ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi cho khách hàng. Không chỉ hấp dẫn người gửi tiền, các ngân hàng còn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn, đặc biệt là doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh. Khác với thời điểm này năm 2021, hiện giao dịch ở các ngân hàng đã sôi động hơn rất nhiều.

Tăng lãi suất tiết kiệm

Để bổ sung nguồn vốn phục vụ khách hàng vay có xu hướng tăng cao vào cuối năm, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động nhằm hút khách hàng gửi tiền. Theo thống kê, so với thời điểm trước tháng 7-2022, lãi suất tăng 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) có mức tăng 0,2-0,95%/năm tùy theo từng kỳ hạn; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng thêm 0,2%/năm lãi suất. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn, cùng với chương trình ưu đãi cho người gửi tiền. Cụ thể, khách hàng ưu tiên khi gửi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên tại kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1%, lên 6,1%/năm…

Theo biểu lãi suất mới nhất, lãi suất cao nhất mà các ngân hàng đang áp dụng ở mức 7,3%/năm. Chẳng hạn như đối với kỳ hạn 12 tháng, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất 7,3%/năm, trong khi Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) là 6,6%/năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đều áp dụng lãi suất 6,5%/năm.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) với 6,5%/năm; tiếp theo là TPBank 6,3%/năm; VPBank 6,1%/năm. Ở kỳ hạn 3 tháng, Nam A Bank áp dụng lãi suất 3,95%/năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 3,9%/năm; Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 3,8%/năm…

Theo các chuyên gia, mặc dù không có quá nhiều cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán..., song các ngân hàng vẫn điều chỉnh lãi suất huy động. Kênh gửi tiết kiệm tiếp tục được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và ổn định hiện nay.

Còn nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng - tiền gửi hiện ở mức cao, nên áp lực tăng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34%.

Nhiều chương trình cho vay

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), nhiều sản phẩm phục vụ nông dân như: Cho vay lưu vụ, hỗ trợ giảm tổn thất, cho vay ưu đãi lãi suất, cho vay qua tổ vay vốn/tổ liên kết, cho vay phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn... đã được ngân hàng triển khai.

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có sản phẩm vay sản xuất, kinh doanh, tối đa 60 tháng, mức vay 70% nhu cầu vốn, lãi suất từ 6,5%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ với nhiều mức lãi suất hấp dẫn, cố định trong 12 tháng, 24 tháng hay 60 tháng…

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, MB đang có lượng khách hàng giao dịch qua kênh số rất lớn, với tỷ lệ 98% trên tổng số giao dịch toàn hệ thống, do đó, ngân hàng sẽ điều chỉnh các kỳ hạn huy động trung, dài hạn trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, tiền gửi không kỳ hạn cũng là một trong những cấu phần quan trọng, giúp MB vừa điều tiết việc cho vay, vừa có khả năng cung cấp lãi suất đầu ra tối ưu nhất cho các khách hàng doanh nghiệp.

Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua nhà… Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) áp dụng lãi suất vay mua nhà thấp nhất là 4,99%/năm, cố định trong thời gian 3 tháng đầu với điều kiện khoản vay có thời hạn từ 24 tháng trở lên. Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng (PVcomBank) áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi cố định cho vay mua nhà trong 6 tháng đầu là 5%/năm, từ tháng thứ 7 trở đi mức lãi suất mà khách hàng phải trả sẽ là 12%/năm. Còn với Ngân hàng TPBank, bên cạnh lãi suất vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa ở mức thấp chỉ từ 5,9%/năm, ngân hàng còn hỗ trợ cho vay tối đa lên tới 90% phương án vay vốn và thời gian vay có thể kéo dài từ 10 năm đến 30 năm.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình cho vay lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng... từ đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất.

Hà Linh