Quan hệ Mỹ - Đức: Lại ồn ào vì gián điệp hai mang

Thế giới - Ngày đăng : 06:47, 12/07/2014

(HNM) - Trong khi bê bối về vụ một nhân viên tình báo Đức làm gián điệp hai mang cho Mỹ chưa hạ nhiệt, thì cơ quan chức năng Đức lại tiếp tục vào cuộc để làm sáng tỏ một vụ việc khác cũng với cáo buộc tương tự.


Trong một thông báo ngày 9-7, Văn phòng Công tố liên bang Đức cho biết các sĩ quan cảnh sát liên bang đã lục soát nơi ở và làm việc tại Berlin của một đối tượng tình nghi. Quyết định lục soát được đưa ra dựa trên nghi vấn ban đầu về các hoạt động gián điệp của nhân vật này. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan chức năng Đức vẫn chưa phát lệnh bắt giữ.

Đức cáo buộc CIA liên quan đến hoạt động “gián điệp hai mang” của nhân viên tình báo nước này.



Theo nhật báo "Die Welt" của Đức, đối tượng tình nghi là một sĩ quan quân đội và người này đang bị điều tra về những cáo buộc làm gián điệp. Cũng theo truyền thông Đức, trong ngày 9-7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã triệu Đại sứ Mỹ tại Berlin John B.Emerson nhưng không rõ nội dung trao đổi giữa hai bên. Trước đó ngày 2-7, cơ quan chức năng Đức bắt giữ một nhân viên văn thư của Cơ quan tình báo đối ngoại (BND) Đức, 31 tuổi, vì nghi ngờ hoạt động "gián điệp hai mang" cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Các nguồn tin ban đầu cho biết nhân viên này đã trao cho CIA hơn 200 tài liệu mật để đổi lấy số tiền 25.000 euro. Vụ việc đã gây tức giận trong chính giới Đức và buộc nước này phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng "gián điệp hai mang". Phát biểu hôm 7-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo vụ bê bối tình báo trên nếu được chứng thực có thể sẽ hủy hoại lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh này.

Các nhà quan sát nhận định, vụ bê bối gián điệp mới nhất có thể lại khiến mối quan hệ Mỹ - Đức dậy sóng giữa lúc Berlin chưa thực sự nguôi ngoai sau cáo buộc nghe lén ầm ĩ từ năm ngoái. Sau những tiết lộ của "người thổi còi" Edward Snowden, tháng 11-2013, Quốc hội Đức đã mở cuộc điều trần về bê bối do thám của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và sau đó quyết định mở cuộc điều tra riêng về vấn đề này. Trong một thời gian dài, câu chuyện về những cuộc nghe lén điện thoại tiếp tục là chủ đề "nóng" được báo chí Đức và Châu Âu khai thác triệt để, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều thông tin xung quanh các hoạt động của NSA, FBI và CIA bị Edward Snowden phanh phui. Sau sự kiện này, Berlin đã đề xuất với Washington về một thỏa thuận ràng buộc không do thám lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington từ chối đề xuất trên. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel của Đức rằng, Mỹ sẽ không bao giờ ký cam kết với bất kỳ nước nào về việc không do thám họ. Nhưng, theo bà Clinton, điều đó không có nghĩa là các nước và các cơ quan tình báo không nên làm rõ về việc "hoạt động nào là thích hợp, hoạt động nào là không". Những vụ bê bối do thám liên tục nổ ra khiến người dân Đức ngày càng hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ. Theo một điều tra hồi đầu tháng 6, 69% người Đức cho biết đang mất lòng tin đối với Mỹ và 57% ủng hộ giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ. Rõ ràng, các cáo buộc mới về việc Mỹ do thám đồng minh không những ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao song phương mà có thể sẽ khiến nước này gặp khó khăn trong việc tranh thủ sự ủng hộ từ Đức cho các nỗ lực phản đối hoạt động của Nga ở Ukraine và trong việc kiểm soát các tham vọng hạt nhân Iran.

Thế nên, trong một động thái nhằm xoa dịu những căng thẳng tình báo mới nhất đang làm phương hại quan hệ giữa hai nước, ngày 7-7, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định Washington sẽ hợp tác với Berlin để giải quyết thỏa đáng vụ việc này; đồng thời nhấn mạnh Washington nhìn nhận quan hệ đồng minh Mỹ - Đức là hết sức quan trọng, được xây trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau qua nhiều thập kỷ hợp tác. Tuy nhiên, Mỹ không thể đưa ra bình luận vào thời điểm hiện tại bởi Đức vẫn đang trong quá trình điều tra và vụ việc này có liên quan trực tiếp đến các vấn đề tình báo của Mỹ.

Chưa rõ, lần này Thủ tướng Đức A.Merkel có "chín bỏ làm mười" đối với đồng minh thân cận này không, nhưng xem ra những chương trình gián điệp đang gây khó khăn cho mối quan hệ của Washington với Berlin nói riêng và Châu Âu nói chung.

Kim Phượng