Trò chơi bước ra từ truyện Doraemon mê hoặc giới trẻ Việt

Giải trí - Ngày đăng : 10:39, 11/07/2014

Cầm món đồ chơi kendama bằng gỗ trên tay, Khoa nhanh nhẹn hất cho trái bóng nhỏ bay lên không rồi khéo léo đưa đầu nhọn của tay cầm đón đúng vào lỗ trái bóng.


Đặng Ngọc Khoa là chủ nhiệm Câu lạc bộ Kendama Việt Nam - một trò chơi tung hứng bóng gỗ xuất xứ từ Nhật Bản được miêu tả trong những câu chuyện về chú mèo máy Doraemon. Trò tung hứng bóng gỗ (kendama) của Nhật Bản đang được các bạn trẻ ở Hà Nội say mê tập luyện vào mùa hè này. Chiều cuối tuần nào ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một nhóm bạn trẻ cũng tập trung chơi kendama. Chỉ với một tay cầm (còn gọi là cây ken) và một quả bóng (tama), một dây nối ken với tama, những người chơi sáng tạo ra vô số động tác đẹp mắt.

Một buổi tập của các thành viên trong câu lạc bộ Kendama Việt Nam. Ảnh: Phan Dương.


Khoa năm nay 28 tuổi, cho biết đây là trò chơi kỹ năng không tốn nhiều sức, mà cần sự phối hợp khéo léo tay và mắt. Nhìn qua cấu tạo đơn giản, tưởng dễ chinh phục nhưng nó có thể tạo ra cả nghìn kiểu chơi khác nhau và cần kiên trì tập luyện.

Cách đây 2 năm, Khoa tình cờ biết giới trẻ nhiều nước trên thế giới đang mê mẩn trò chơi này. Anh nhờ một người bạn Nhật Bản mua cho một bộ kendama về tập. "Đi đâu tôi cũng mang kendama để tập lúc rảnh rỗi và giới thiệu cho mọi người cùng chơi. Hành trang đi làm hàng ngày không thể thiếu ken. Tôi chơi trong lúc chờ thang máy, hành lang và những giờ nghỉ trưa cùng đồng nghiệp. Nhiều hôm buổi tối ở nhà chỉ định tập 15 phút nhưng lại mê mẩn mất cả vài tiếng", Khoa cho biết.

Khoa mất 3-5 ngày mới thực hiện được một động tác đơn giản. Có những động tác khó, anh phải tập chơi cả chục ngày. Năm ngoái, anh đi Phan Thiết liên hệ với cộng đồng chơi kendama ở đây. Lúc về, anh biết một thành viên trong nhóm đã luyện được động tác lunar (mặt trăng). Khoa liền lao vào chinh phục. Anh tập luyện bất cứ lúc nào rảnh, chừng nửa tháng sau thì làm được động tác này.

"Nếu không chơi, bạn sẽ không biết được cảm giác chinh phục được một động tác. Đó là niềm vui trong tức khắc không thể diễn tả được, chỉ biết sung sướng, nhảy lên la hét", Khoa chia sẻ.

Kendama là trò chơi mang đậm bản sắc người Nhật, nhìn qua rất đơn giản nhưng mang đến sự sáng tạo không ngừng cho người chơi. Hàng nghìn kiểu chơi đã được tạo ra từ nó. Ảnh: Khoa Dang.


Là một thành viên chơi khá tốt của nhóm, anh Phương (29 tuổi) kể lại, năm ngoái, anh đi du lịch Thái Lan. Trong các món đồ lưu niệm, anh nhìn thấy mô hình thu nhỏ của trò chơi này giống trong truyện Doraemon. Anh mang nó về Việt Nam, thỉnh thoảng lôi ra chơi nhưng không hề biết tên gọi của nó.

Một thời gian sau, anh mới biết đó là trò chơi kendama đang "làm mưa, làm gió" trên thế giới. Phương xem các video hướng dẫn động tác, anh cũng đã tự mình học được vài động tác hay. Chơi một mình cũng chán, tình cờ anh phát hiện ở Hà Nội có một nhóm bạn trẻ đang tập luyện kendama và xin gia nhập câu lạc bộ. Buổi gặp gỡ đầu tiên của CLB KendamaVN chỉ có 4 thành viên, tất cả đều háo hức vì từ nay đã có người chơi cùng, tranh tài cùng nhau. Đến nay câu lạc bộ có hàng chục thành viên. Họ đang nỗ lực hết sức đem trò chơi này đến nhiều vùng miền của Việt Nam.

Hiện anh Phương có khoảng chục bộ kendama với màu sắc và chất liệu gỗ khác nhau, tập được hơn 40 động tác khó. Anh nói: "Tôi mang nó bên người mọi nơi, lúc nào rảnh, lúc mệt mỏi đều mang ra chơi. Kendama không giống như môn khác, chơi nó phải kiên trì, nhẫn nại ngày qua ngày, để đến một lúc nào đó tập được thì niềm vui mang lại là vô bờ".

Từ đầu năm đến nay, câu lạc bộ tham gia nhiều lễ hội văn hóa của người Nhật và quảng bá trò chơi này đến giới trẻ Việt Nam. Thành viên câu lạc bộ đa dạng về lứa tuổi. Nhóm vừa kết nạp thêm thành viên Erka 20 tuổi (người Mông Cổ), đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Bách khoa. Erka cho hay, cậu chơi môn này từ năm 12 tuổi nhờ một giáo viên người Nhật hướng dẫn. Erka đã trải qua đánh giá trình độ của Nhật và đạt kỹ năng giỏi. Trước khi du học ở Việt Nam, cậu có thời gian 2 năm dạy trò chơi này ở quê nhà.

Theo chàng trai này, đây là trò chơi gắn liền với tuổi thơ của cậu, nó mang đến cho cậu nhiều kỷ niệm, niềm vui và cả tính kiên nhẫn. Kendama không yêu cầu về tuổi tác, độ tuổi nào mà đam mê cũng có thể chơi được mọi lúc mọi nơi.


Kendama bao gồm một tay cầm (ken) có hình dạng như thanh kiếm và một quả bóng (tama) được nối với nhau bằng một sợi dây. Có một lỗ ở bên trong bóng để có thể khớp với đầu nhọn của tay cầm. Ở hai bên của tay cầm còn có 2 chén lõm với kích thước khác nhau và một chén lõm nhỏ hơn nữa nằm ở đầu kia của tay cầm.

Những năm 1980, kendama chính thức được Nhật Bản đưa thành một môn thể thao chuyên nghiệp, có các quy chuẩn về dụng cụ và cả bộ khung đánh giá mức độ người chơi.

Bản chất đơn giản nhưng tinh túy, kendama đã lan rộng ra toàn thế giới. Rất nhiều động tác mới được người chơi sáng tạo ra.

Theo Phan Dương