Đến hẹn lại... ngập
Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 11/07/2014
Nhà thành hầm nước
Theo người dân tại phường 21 (quận Bình Thạnh), mùa này, chỉ cần một trận mưa hay triều cường lên thì đường thành sông, nhà có cốt nền thấp trở thành hầm chứa nước... Điều đáng nói tại đây, dù cơ quan chức năng đã tiến hành lắp đặt xong cống ngăn triều tại khu vực cầu Hóa An trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng, khiến cho tình hình ngập ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người dân TP Hồ Chí Minh luôn khốn khổ vì ngập nước. |
Luôn trong cảnh hễ mưa, triều cường là ngập là tình cảnh người dân trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Luông, Kinh Dương Vương, Hậu Giang (quận 6) luôn phải đối mặt. Tại khu vực này, thực hiện các DA chống ngập như nạo vét dòng chảy, đặt các cống lớn... để thoát nước, đơn vị chức năng đã nâng mặt đường lên cao khoảng 50 đến 80cm so với hiện trạng ban đầu, khiến nhà dân quanh các tuyến đường trở thành các "tầng hầm". Tại các tuyến đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13 (quận Thủ Đức); Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Lương Định Của, Trần Não (quận 2); Hậu Giang, Chợ Lớn, Tân Hòa Đông, Bà Hom (quận 6), Kinh Dương Vương (Bình Tân); Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… hễ mưa lớn thì đường sá đều thành... sông.
Tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh nạo vét 255.524km lượt cống thoát nước; duy tu nạo vét 20 tuyến kênh rạch và cửa xả với chiều dài 1.306km... Tiền và công sức đổ ra nhiều nhưng tình trạng ngập lụt trên cho thấy sự cải thiện không nhiều.
Ngổn ngang dự án
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều DA chống ngập đang triển khai hiện vẫn đang còn ngổn ngang. Điển hình, DA tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 1), hiện đã thực hiện nạo vét kênh và xây dựng các cống xả, thế nhưng khối lượng cũng mới chỉ đạt 85% kế hoạch. Hoặc, tiểu DA Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm có 10 gói thầu kênh hở mới chỉ đạt hơn 65% khối lượng công việc; gói thầu xây lắp 6 - xây dựng trạm bơm và công viên cây xanh, nhà thầu đang thực hiện đào đất, đóng cừ, phần bổ sung nâng cấp mở rộng hẻm và nâng cấp hệ thống cấp thoát nước và hiện khối lượng thực hiện cũng chỉ mới đạt hơn 47%. Ngay cả phần đường trên cống hộp (phần thi công đơn giản nhất) nhưng cũng chỉ mới hoàn thành được khoảng 90% kế hoạch.
Để giải quyết tình trạng ngập dai dẳng, ngành chức năng thành phố lại "hứa", trong giai đoạn 2014 - 2015 sẽ tiếp tục hạn chế thấp nhất tình trạng ngập trong khi chờ các công trình, DA lớn phát huy tác dụng; ngăn chặn phát sinh điểm ngập mới; nạo vét có trọng tâm; đôn đốc tiến độ thực hiện các DA để giải quyết ngập; xử lý 48 vị trí lấn chiếm kênh rạch, thi công ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước; huy động vốn triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng các DA... |
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố thừa nhận, dù nhu cầu cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của thành phố rất lớn nhưng hiện chỉ đáp ứng được 60% theo quy hoạch tổng thể thoát nước, thiếu hơn 2.500km cống và mới chỉ thực hiện được 45% so với kế hoạch. Chính vì vậy tình trạng ngập lụt cứ "đến hẹn lại lên". Cũng theo ông Công, sở dĩ có tình trạng trên bởi khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn, điều này khiến cho các DA chống ngập bị ách tắc. Cụ thể, đối với các DA chống ngập trọng điểm là cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 1) dù thi công từ năm 2003 nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng hơn 78% số vốn.
Chưa dừng lại ở đó, việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời các trường hợp lấn chiếm xây dựng trên kênh rạch, cửa xả, hệ thống thoát nước… chưa hoàn thành cũng là nguyên nhân làm chậm DA. Điển hình là đối với DA tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 1), chậm so với kế hoạch cũng chủ yếu do vướng mặt bằng nên chưa thi công được. Cụ thể, có tổng số 406 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, trong đó, địa bàn quận 12 còn 17 hộ; Bình Tân 381 hộ; Tân Bình 1 hộ và Gò Vấp 7 hộ. Bên cạnh đó, DA xây dựng tuyến đê bao bờ bắc Kênh Đôi cũng mới chỉ di dời được 10.446/15.000 hộ dân (đạt 69,6% khối lượng).
Đáng lo hơn, bởi các nguyên nhân trên nên mục tiêu đạt được các chỉ tiêu về chiều dài hệ thống thoát nước đến năm 2020 theo quy hoạch là điều không thể trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, chưa kể ngân sách thành phố lại hạn hẹp.