Người dân sửng sốt, bất an
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 11/07/2014
Vướng quy định pháp lý
Người công bố thông tin trên là ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh. Theo ông Dũng, kể từ đầu năm đến thời điểm này, không có người nghiện nào bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, thành phố sẽ có khoảng 4.500 người nghiện bắt buộc tái hòa nhập cộng đồng. Đó là chưa kể hiện có hơn 8.600 đối tượng nghiện đang bị quản lý tại các trung tâm, 3.200 đối tượng đang được cộng đồng quản lý và trong đó chỉ có hơn 2.000 người có việc làm. "Tình trạng này khiến chúng tôi lo ngại tình trạng nghiện ma túy sẽ tăng trở lại", ông Trần Trung Dũng nói.
Người cai nghiện chơi thể thao tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa. |
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo luật xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tái nghiện; đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2013/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, việc áp dụng theo Nghị định 111 lại do Bộ Công an ban hành biểu mẫu. Thế nhưng biểu mẫu này đến nay vẫn chưa ban hành, địa phương không biết căn cứ vào đâu để thực hiện.
Đối với đối tượng áp dụng theo Nghị định 221 thì ngành chức năng phải xác định nơi cư trú trong vòng 15 ngày, trong thời gian đó giao đối tượng này cho tổ chức xã hội quản lý. Tuy nhiên, nghị định lại không quy định rõ cơ quan nào quản lý tạm thời nên vẫn chưa thể áp dụng được. Ngoài ra, việc xác định người nghiện cũng không dễ vì khi xác định người nghiện và tình trạng nghiện thì đội ngũ y, bác sĩ… phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hiện nay, các địa phương triển khai rất chậm và thủ tục cấp giấy chứng nhận còn chậm hơn.
Cử tri bất an
Trước vấn đề trên, đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, cử tri rất lo ngại và bức xúc về việc quản lý người nghiện trong khu dân cư. "Nếu hàng nghìn người trở về cộng đồng và không người nghiện nào phải vào trại thì việc quản lý của chính quyền địa phương sẽ ra sao? Liệu có bảo đảm ANTT được hay không?", bà Hạnh lo lắng.
Cùng quan điểm, đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng, tỷ lệ người nghiện đưa vào trại cai nghiện hiện nay ở thành phố "không thấm tháp gì" so với số người nghiện thực tế. Nên việc không có người nào vào trại cai nghiện mà để tồn tại trong khu dân cư hiện nay là hết sức nguy hiểm.
Trước bức xúc nêu trên, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, để chủ động tháo gỡ khó khăn, Sở đã trình UBND TP Hồ Chí Minh dự thảo bổ sung chức năng, cho phép trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu thực hiện vai trò tạm quản lý người nghiện trong khi chờ đợi cơ quan chức năng lập thủ tục hồ sơ… Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để chờ tháo gỡ vướng mắc do những quy định pháp lý mang lại.