Vì sao sai phạm chồng sai phạm?

Đời sống - Ngày đăng : 07:06, 11/07/2014

(HNM) - Không phải bỗng nhiên, tại phiên họp ngày 10-7-2014 kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, trước chất vấn của đại biểu về việc Công ty cổ phần (CP) thuộc da Hào Dương gây ô nhiễm đã xử lý đến đâu, sở, ngành liên quan đã lúng túng không trả lời được.


Phạt cứ phạt…

Công ty CP thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương, có ngành nghề chính là thuộc da, chế biến da đại gia súc, gia công thuộc da, trụ sở chính tại khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) bắt đầu hoạt động từ năm 2003. Công ty đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2003; được Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2007. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến 2013, công ty đã bị hàng loạt cơ quan chức năng phanh phui sai phạm. Cụ thể, Bộ TN&MT đã kiểm tra 2 lần, Sở TN&MT thành phố kiểm tra 4 lần... Các cơ quan chức năng cũng quá nhiều lần phát hiện công ty này đã "đầu độc" sông Đồng Điền - Nhà Bè. Cũng từ năm 2009 đến 2013, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành tới 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quyết định cuối cùng vào tháng 10-2013) đối với công ty trong lĩnh vực môi trường, bởi các hành vi: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả khí thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép… Công ty này đã phải nộp phạt trên 600 triệu đồng.

Nhưng số tiền phạt trên dường như không ăn nhằm gì nên công ty vẫn "chứng nào tật đấy". Đầu tháng 11-2013 (chỉ vài ngày sau quyết định phạt cuối cùng của UBND thành phố), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, lại phát hiện công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường gấp 10 lần mức cho phép. Trước tình cảnh này, UBND thành phố ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, buộc công ty trong vòng 6 tháng phải khắc phục xong hậu quả của hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hết hạn, khoảng đầu tháng 6-2014, công ty vẫn chưa khắc phục xong, buộc UBND thành phố lại tiếp tục đình chỉ hoạt động.

Xây "trái phép" gần 8.000m2 nhà xưởng

Tìm hiểu của chúng tôi, việc xây "lậu" này được công ty thực hiện từ năm 2008, với diện tích gần 8.000m2 nhà xưởng, nhà kho, văn phòng ngay tại KCN Hiệp Phước. Khi bị phát hiện, từ năm 2009, Phó Chủ tịch UBND thành phố khi đó là ông Nguyễn Thành Tài đã ký quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với công ty bởi hành vi xây dựng công trình không có phép. Đáng lưu ý, UBND thành phố buộc công ty khắc phục hậu quả bằng việc liên hệ với Ban quản lý các khu chế xuất và KCN (Hepza) để xin giấy phép xây dựng, nếu không thì buộc phải tự tháo dỡ. Ngoài ra, thành phố cũng quyết định xử phạt 35 triệu đồng.

Tuy nhiên ba năm sau, năm 2012, công ty vẫn "lờn thuốc" đến mức không thèm bổ sung giấy phép xây dựng buộc UBND thành phố phải ra quyết định cưỡng chế. Mãi đến tháng 1-2014, tức sau hai năm khi UBND thành phố có quyết định, UBND huyện Nhà Bè mới thông báo rằng Công ty Hào Dương đã tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng chỉ với diện tích gần 2.000m2 (24,62% diện tích buộc phải tháo dỡ).

Sự khó hiểu của cơ quan quản lý nhà nước

Liên quan đến sai phạm chất chồng của Công ty Hào Dương, có nhiều câu hỏi lớn xung quanh hành động "lạ" của lực lượng thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh. Đó là việc ngành chức năng thành phố phát hiện công ty này xây dựng không phép gần 8.000m2 nhưng tại Biên bản số 72/BB-VPHC ngày 26-10-2009 của Thanh tra Sở Xây dựng chỉ ghi trên 4.600m2. Tiếp đến là Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh. Tại báo cáo với UBND thành phố vào tháng 10-2013, Hepza khẳng định, trước sai phạm liên tục của Công ty Hào Dương về vấn đề môi trường, tháng 10-2012 Hepza đã có văn bản chuyển Thanh tra Sở này đề nghị tham mưu cho UBND thành phố ra quyết định xử lý vi phạm công ty này. Tuy nhiên, tháng 11-2012 Sở lại có báo cáo riêng, đưa ra nhiều biện minh giúp công ty và cuối cùng đề xuất với UBND thành phố rằng… không xử phạt Công ty Hào Dương theo đề nghị của Hepza.

Tìm hiểu của chúng tôi, hiện UBND thành phố đang xem xét trách nhiệm liên đới của nhiều sở, ngành xung quanh vụ việc của Công ty Hào Dương.

Ngô Nguyên