Châm ngòi nổ tại “thùng thuốc súng”

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 10/07/2014

(HNM) - Những phụ nữ và trẻ em trèo lên nóc nhà với mong muốn có thể làm thành lá chắn sống ngăn cản Israel tấn công ngôi nhà của họ.

Israel đã thực hiện hơn 160 vụ oanh kích tại dải Gaza trong 3 ngày qua.


Tel Aviv tuyên bố, hành động quân sự ở vùng lãnh thổ ven biển của Palestine là một phần trong chiến dịch có tên "Bảo vệ biên giới" nhằm chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa an ninh từ các cánh vũ trang của Hamas. Căng thẳng bùng phát kể từ hồi đầu tháng 6 vừa qua sau khi 3 thiếu niên Israel bị bắt cóc, và sau đó được tìm thấy đã chết ở ngoại ô thành phố Hebron ở Bờ Tây. Israel cáo buộc nhóm Hồi giáo Hamas đứng sau vụ việc, dù chưa có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào để bảo vệ cho nhận định của mình. Để tìm kiếm 3 người định cư bị mất tích, quân đội Israel đã tiến hành hàng chục cuộc vây ráp, bắt bớ, lật tung nhiều địa điểm, san phẳng hàng loạt ngôi nhà và thẳng tay trấn áp người Palestine. 13 người đã chết bởi các vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào thường dân Palestine ở nhiều khu vực khác nhau của Bờ Tây để trả giá cho vụ 3 người Israel bị bắt cóc, trong đó có những em bé mới 10 tuổi. Sự phẫn uất của người Palestine lên đến cực điểm sau khi 2 người định cư Do Thái được nhìn thấy đã khống chế thiếu niên 16 tuổi Mohammed al-Maqdisi Hussein Abu Khudair ở ngôi làng Sha'fat ở khu vực Đông Jerusalem bị Israel chiếm đóng. Xác của cậu thiếu niên Palestine bị cháy xém với nhiều dấu hiệu bị đánh đập được phát hiện sau đó đã gây nên sự căm phẫn trong dư luận. Khi Bờ Tây trở nên hỗn loạn vì các vụ lùng sục, bắt giữ của quân đội Do Thái thì tại dải Gaza, những cuộc tấn công quy mô nhỏ cũng được thực hiện để "dằn mặt" Hamas. Thậm chí, một số nhân vật theo quan điểm cứng rắn của Israel liên tục đề xuất những hành động quân sự mạnh mẽ hơn, không loại trừ việc tái chiếm vùng đất này. Khi cỗ máy bạo lực được khởi động bởi những cái "đầu nóng" ở Tel Aviv, những vụ bắn rocket từ Gaza sang miền Nam Israel bị nối lại như một hành động trả đũa của Hamas. Bắt đầu từ đây, một vòng tròn xung đột mới đã được hình thành và chắc chắn thường dân Palestine vô tội là những người tiếp tục phải gánh chịu đau thương, mất mát.

Câu hỏi được quan tâm nhất là liệu những chiến dịch phô trương sức mạnh quân sự rầm rộ của quân đội Do Thái có đạt được mục tiêu "Bảo vệ biên giới" như Tel Aviv đã nêu ra. Lịch sử của cuộc xung đột dài đằng đẵng hơn 6 thập kỷ giữa Israel và Palestine đã cho thấy câu trả lời đầy hoài nghi. Cho dù được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ, được sự trang bị nhiều loại vũ khí tối tân nhưng người Israel không có một cuộc sống hòa bình thật sự. Ở đâu có áp bức thì ở đó có phản kháng, đấu tranh. Quy luật muôn đời đã được nhân loại đúc kết khiến dư luận lo ngại về các hành động quân sự quyết đoán của Israel. Mọi sự việc đều có những căn nguyên sâu xa. Xét từ vụ 3 người định cư Israel bị bắt cóc và thủ tiêu mà ngay cả Tổng thống Palestine Mamoud Abbas cũng lên án mạnh mẽ, nhiều ý kiến cho rằng: Liệu vụ việc có xảy ra nếu như Israel tuân thủ luật pháp quốc tế và ngừng các kế hoạch xây dựng những khu định cư nhằm lấn chiếm đất đai của người Palestine? Điều đó cũng giống như sự vụ đáng tiếc có lẽ sẽ không xảy ra nếu như Tel Aviv kiên quyết ngăn chặn các vụ bạo lực của người định cư Do Thái đối với người dân Palestine đã được cộng đồng quốc tế báo động như những hành động khủng bố có chủ đích. Theo thống kê mỗi năm có hàng trăm vụ hành hung, bạo hành, đàn áp mà những nhóm định cư Do Thái có tư tưởng thù địch thực hiện nhằm vào các cộng đồng Palestine đang sinh sống trên chính quê hương họ.

Như vậy để thấy rằng, cách xử lý mang ngôn ngữ của vũ lực mà Israel đang theo đuổi chắc chắn không thể khép lại cánh cửa xung đột đã đè nặng lên cả hai dân tộc, bởi bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Một chu kỳ căng thẳng và bạo động mới không chỉ phá vỡ tiến trình hòa bình mong manh mà Mỹ đang thúc đẩy mà còn tạo ra thêm một ngòi nổ nguy hiểm nữa tại "thùng thuốc súng" Trung Đông hiện đã tăng nhiệt bởi hàng loạt các điểm nóng an ninh. Việc nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định ám sát 6 lãnh đạo Hamas, trong đó có Thủ tướng Ismael Hanyeh mà báo chí Israel vừa loan báo nếu là sự thật chắc chắn sẽ tạo nên một ngã rẽ khủng hoảng cho hòa bình Trung Đông. Vì vậy, tình trạng đáng báo động này cần sự lên tiếng cũng như hành động thực tế của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Liên hợp quốc và Nga nhằm kiểm soát tình hình trước khi quá muộn. Điều này càng cho thấy sự cần thiết của giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại nhằm mang đến độc lập cho người Palestine và nền hòa bình lâu dài cho khu vực.

Vân Khanh