Làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục
Kinh tế - Ngày đăng : 06:07, 10/07/2014
Trước đó, trong phần thảo luận, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong 6 tháng đầu năm, các ĐB cũng kiến nghị thành phố cần nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát các công trình, dự án trọng điểm và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN…
Dây chuyền sản xuất bao bì hiện đại tại Công ty TNHH Song Long. Ảnh: Huy Hùng |
Chú trọng kiểm tra, giám sát chất lượng công trình
Ý kiến của các ĐB Hồ Quang Lợi (Tổ Hai Bà Trưng), Hoàng Mạnh Phú (Tổ Phúc Thọ), Nguyễn Thị Như Mai (Tổ Tây Hồ)… phát biểu tại hội trường đều đánh giá cao kết quả thành phố đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, đặc biệt thu ngân sách đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 12,2%.
Các ĐB cũng đánh giá cao việc thành phố đã duy trì bảo đảm ANCT, TTATXH trên địa bàn trong thời gian qua. Song, các ĐB cũng thẳng thắn kiến nghị UBND thành phố phân tích, làm rõ nguyên nhân (báo cáo của UBND thành phố chưa đề cập đến điều này) vì sao trong điều kiện kinh tế tương đối thuận lợi, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hà Nội (chỉ đạt 7,4%) tuy có tăng nhưng lại thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (là 7,67%), trong khi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương có tăng trưởng tốt hơn, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục nhằm đạt tăng trưởng cao và vượt kế hoạch trong những tháng còn lại của năm 2014.
Đáng chú ý, ĐB Hồ Quang Lợi kiến nghị thành phố, các sở, ngành liên quan cần xem xét tìm rõ nguyên nhân vì sao đường ống dẫn nước sông Đà - một công trình thiết yếu cung cấp nước sạch cho Hà Nội với hàng vạn hộ dân đã bị vỡ tới lần thứ 7? ĐB Nguyễn Thị Xuân Nữ (Tổ Cầu Giấy) cũng kiến nghị xem xét lại chất lượng một số công trình văn hóa, thể dục thể thao có thiết kế không phù hợp. ĐB Mai Văn Lâm (tức Đại đức Thích Tiến Đạt, Tổ Đan Phượng) kiến nghị cần thực hiện tốt việc quy hoạch di tích, thực hiện kiểm tra toàn bộ hệ thống di tích đã được công nhận và có thể hủy bỏ những di tích không phù hợp. ĐB Mai Văn Lâm cũng kiến nghị các cấp ngành liên quan cần quan tâm tới nguồn nước sạch không để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, mất nước ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Tạo thuận lợi cho người dân, gỡ khó cho doanh nghiệp
Đánh giá cao công tác cải cách hành chính có những bước chuyển biến tích cực (Năm trước Hà Nội đứng thứ 53/63 tỉnh, thành về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh thì nay đã lên hàng 33, tăng 18 bậc; ở chỉ số cải cách hành chính Hà Nội đứng 7/63 địa phương; Hà Nội đứng thứ hai cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin…), nhiều ĐB kiến nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn, người dân khỏi phiền hà khi đến các cơ quan công quyền. Trước hết, với khối các DN, thành phố đã có chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho DN song theo nhiều ĐB, DN vẫn rất khó tiếp cận vay vốn. Các ĐB cũng kiến nghị thành phố rà soát tổng thể từ đó có những ưu đãi về thuế đất cho DN cũng như giảm bớt hơn nữa các thủ tục hành chính để các DN thuận lợi trong hoạt động. ĐB Nguyễn Thị Như Mai (Tổ Tây Hồ) cho rằng, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tăng năng lực xuất khẩu. ĐB Hoàng Mạnh Phú (Tổ Phúc Thọ) kiến nghị UBND thành phố rà soát, sớm ban hành cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ nông dân sản xuất, tìm "đầu ra" cho sản phẩm nông nghiệp...
Bên cạnh đó, các ĐB kiến nghị các cơ quan nhà nước thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ hành chính công thiết yếu với đời sống người dân. Các cơ quan nhà nước cần công khai thông báo rộng rãi những thủ tục mà người dân, chủ đầu tư phải có khi cần giải quyết thủ tục nào đó với các cơ quan công quyền, trong đó phải kể đến các thủ tục kê khai thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… tránh tình trạng người dân phải đi lại "năm lần bảy lượt" vẫn không xong. Có ĐB đã dẫn chứng chuyện người dân ở quận Hà Đông không được nhân viên Điện lực Hà Đông đến thu tiền tại nhà, trong khi lẽ ra họ phải được hưởng dịch vụ này (như tại các quận nội thành của Hà Nội cũ), thành ra phải tự đến nơi quy định nộp vào ngày nhất định, nhưng khi có thay đổi địa điểm, thời gian người dân không được biết… Ngoài ra, các ĐB còn kiến nghị UBND thành phố rà soát lại các chính sách, công trình đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới; sẵn sàng, chủ động cho lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10...
Kết thúc phần thảo luận, đa số các ĐB HĐND thành phố đã tán thành biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2014 với 7 nhóm giải pháp.
7 nhóm giải pháp Nghị quyết HĐND TP Hà Nội đã đề ra nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cả năm 2014 gồm: Hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; triển khai quyết liệt các biện pháp thu ngân sách, đẩy mạnh đầu tư; tiếp tục đẩy nhanh công tác quy hoạch, tăng cường quản lý trật tự, xây dựng đô thị, quản lý đất đai, môi trường; thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và kế hoạch sản xuất vụ mùa 2014, vụ đông 2014-2015; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo đảm an sinh; tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về ANCT, TTATXH, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. |