Ba Vì vẫn “khát” nước sạch

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:33, 09/07/2014

(HNM) - Nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 39-40 độ C, nhưng nhiều người dân ở các xã Thái Hòa, Phú Sơn, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) vẫn phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm.

Không sợ đói bằng sợ thiếu nước

Mặc dù đã nhiều lần đến với các vùng "khát" ở huyện Ba Vì để chứng kiến cuộc sống vất vả khi thiếu nước của người dân, thế nhưng mỗi lần trở lại chúng tôi lại có một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau. Lần đến này, vẫn gặp những vị lãnh đạo ấy, những người nông dân ấy nhưng xem ra câu chuyện không còn cởi mở như trước nữa. Hẳn có nguyên cớ gì đây?

Từ tháng 4 đến nay, người dân thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) thường xuyên bị mất nước sạch.


Không hẹn, nhưng khi đến xã đồi gò Thái Hòa, huyện Ba Vì may mắn chúng tôi đã gặp được Chủ tịch UBND xã. Chưa kịp "tay bắt mặt mừng", Chủ tịch Phùng Văn Đô đã khơi chuyện: "Phóng viên lại lên Thái Hòa tìm hiểu về vấn đề thiếu nước sinh hoạt à? Thiếu vẫn hoàn thiếu, viết mãi nước cũng có về đâu!...". Câu nói của Chủ tịch xã bỏ dở giữa chừng trong tiếng thở dài khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Chủ tịch Phùng Văn Đô cho biết: Nếu so với mặt bằng trong huyện, Thái Hòa là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, xấp xỉ 13%. Hơn nữa, xã có 2.139 hộ thì có tới 60-70% số hộ sống trong cảnh thiếu nước tới 8 tháng/năm. Trầm trọng nhất là thôn Phú An và hai xóm Gò Chè, Lương Sơn của thôn Trung Hà. Cách đây 3 năm, tình trạng thiếu nước vào mùa khô chỉ xảy ra ở thôn Phú An và một phần thôn Cộng Hòa, nay cả 6/6 thôn của xã đều thiếu nước, kể cả mùa mưa. Chính quyền xã nhiều lần tuyên truyền để người dân hiểu được thế nào là nước hợp vệ sinh, nhưng khi nước sạch không có thì người dân phải dùng nước sông, nước ao, giếng làng để vừa giặt giũ, rửa rau, vo gạo…Vì thế mà nhiều người mắc các bệnh ngoài da, bệnh về mắt; đáng nói là tỷ lệ người mắc bệnh và chết vì bệnh ung thư ngày càng tăng, trong đó có nhiều người chết trẻ…

Cùng một cán bộ văn phòng xã Thái Hòa, chúng tôi đến xóm Gò Chè, thôn Trung Hà. Chứng kiến cảnh người dân phải mua từng téc nước, ròng dây bơm nước từ sông vào thật vô cùng ái ngại. Bể nước và các vật dụng chứa nước của hầu hết các gia đình đều trơ đáy. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, nhà có con nhỏ, đông người (6 khẩu), kinh tế lại khó khăn nên mỗi tháng chị chỉ dám mua 2 téc nước (mỗi téc 3m3) về dùng trong sinh hoạt thiết yếu (150.000 đồng/téc); còn việc tắm rửa, giặt giũ, hằng ngày các thành viên trong gia đình chở nhau ra sông Đà… Cuộc sống của hầu hết các hộ dân trong xóm Gò Chè này đều như vậy khi quanh năm phải sống trong cảnh thiếu nước. Dù nghèo khó, tiền mua thức ăn thiếu nhưng tiền mua nước mỗi tháng vẫn phải chi từ 300.000 đồng/hộ trở lên. Ở thôn Phú An, tình trạng thiếu nước còn trầm trọng hơn, kéo dài nhiều năm nay khiến các hộ dân phải thuê bơm nước sông Đà về dùng. Những hộ sống xa sông thì chấp nhận bơm, gánh nước từ các ao tù, giếng ven làng và kênh mương ngoài đồng về sử dụng. "Ở đây, bà con quý nước hơn cơm gạo, chỉ sợ thiếu nước chứ không sợ đói" - ông Chu Văn Chờ, Bí thư chi bộ thôn Phú An cho biết.

Rời xã Thái Hòa, chúng tôi đến thôn Cao Lĩnh và Phú Hữu, xã Phú Sơn gần đó. Tiếp chúng tôi, Trưởng thôn Cao Lĩnh Phùng Đình Nam buồn bã: Tình trạng khan hiếm nước ở Cao Lĩnh diễn ra hàng chục năm nay. Việc thiếu nước sinh hoạt đã khiến cuộc sống của người dân trở nên tụt hậu, kinh tế chậm phát triển. Cử tri đã nhiều lần đề nghị chính quyền các cấp quan tâm để người dân có nước sạch sử dụng, thế nhưng... "Gia đình tôi xây nhà vệ sinh tự hoại với mong muốn cải thiện cuộc sống, thế nhưng đợi mãi chẳng được dùng vì không có nước. Không ít hộ muốn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, nhưng nước dùng cho sinh hoạt tối thiểu của con người còn phải đi mua, nói gì đến chăn nuôi" - anh Nam cho biết thêm.

Trưởng thôn Nam năm nay bước sang tuổi 39, thì cũng chừng ấy năm anh chứng kiến cảnh người dân phải đi gánh nước giếng làng, nước ao hay mua nước về sử dụng. Chuyện người dân phải thức khuya, dậy sớm ra giếng làng tranh nhau vét từng xô nước; lúc khan hiếm phải "nhịn" 2-3 ngày mới tắm giặt hay việc dùng nước "quay vòng", tằn tiện… diễn ra đã nhiều năm. Cao Lĩnh là thôn thuần nông, cả thôn có 134 hộ, đến nay vẫn còn 18 hộ thuộc diện nghèo. Khó khăn là vậy nhưng, không ít hộ dân trong thôn đã phải chi 600.000 đồng/tháng để mua nước về dùng. Còn ở thôn Phú Hữu, khoảng chục năm nay, gần 70% số hộ trong thôn thiếu nước sinh hoạt 6-7 tháng/năm. Chỉ tính riêng xóm Tả có 232 hộ thì nay hầu hết các hộ sống trong cảnh thiếu nước vào mùa khô.

Bao giờ hết khát?

Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt ở xã Thái Hòa và Phú Sơn từ lâu đã được xác định là do người dân sống ở trên các đồi gò cao nên khi đào giếng khơi hầu như không có nước. Những hộ ở dưới triền đồi, nước giếng khơi vừa cạn, vừa ô nhiễm nên không sử dụng được. Nhiều hộ đã tìm đến nguồn nước ngầm dưới lòng đất, nhưng dù đã khoan sâu tới 25-30m vẫn không có nước. Để tự cứu mình, không ít hộ dân ở xã Thái Hòa đã đầu tư 15-20 triệu đồng để xây bể ngầm chứa nước mưa.

Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn huyện Ba Vì, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước của các xã xung quanh khu vực Nghĩa trang Yên Kỳ, từ ngày 4-5-2011, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã mất đất phục vụ dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ gồm Cẩm Lĩnh, Phú Sơn, Thái Hòa, Vật Lại. Dự án lấy nguồn từ Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây, chia làm hai giai đoạn, tổng giá trị xây lắp giai đoạn 1 gần 170 tỷ đồng. Cuối năm 2012, dự án này đã được triển khai, những tưởng người dân sẽ có nước sạch để dùng, thế nhưng đến nay dự án vẫn dang dở do thiếu vốn.

Tìm hiểu tại huyện Ba Vì, lại biết thêm một thực tế đáng buồn nữa: Rằng, nếu Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã mất đất phục vụ dự án mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ có hoàn thành thì cũng không thể có nước cho người dân ngay được. Lý do, với công suất hiện nay của Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây là 20.000m3/ngày - đêm, chưa đủ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng phục vụ hiện tại nên không có nước để cấp cho dự án trên. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây cho biết: Hiện tại, trong phạm vi phục vụ của công ty, rất nhiều địa phương lượng nước cấp mới chỉ đủ sinh hoạt tối thiểu, có nơi phải cấp theo giờ nhưng vẫn không có nước dùng. Đơn cử như địa phận hai thôn Hiệu Lực, Hát Giang, xã Tản Lĩnh (Ba Vì), Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng. Riêng thôn Hát Giang, từ tháng 4-2014 đến nay thường xuyên xảy ra tình trạng mất nước, một số hộ sống dọc đường tỉnh tộ 414 mất nước hoàn toàn. Còn một số khu vực như Trung đoàn 916, xã Sơn Đông (Sơn Tây); nhà máy Z143, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì)… việc cấp nước cũng mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng.

Nhằm khắc phục khó khăn, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trong khu vực (trong đó có 4 xã mới của huyện Ba Vì), từ ngày 31-10-2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng công suất hệ thống cấp nước Sơn Tây từ 20.000m3/ngày - đêm lên 30.000m3/ngày - đêm với tổng mức đầu tư gần 157 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách thành phố. Thực hiện dự án, đến nay Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây đã hoàn thành việc khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công…, đang đề nghị UBND thành phố xem xét bố trí vốn cho dự án để công ty tiến hành lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, do thành phố chưa có khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện nên dự án vẫn "giậm chân tại chỗ". Như thế nghĩa là, khi Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng công suất hệ thống cấp nước Sơn Tây chưa triển khai, tức là hàng nghìn hộ dân của 4 xã thuộc huyện Ba Vì vẫn tiếp tục dài cổ chờ trông.

Tính đến thời điểm này, huyện Ba Vì mới chỉ có 87% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó chỉ khoảng 30% dân số được sử dụng nước sạch. Bao giờ người dân mới thỏa cơn khát nước sinh hoạt? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ…

Minh Nguyệt