Bài 2: Liên kết doanh nghiệp và nhà nông

Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 09/07/2014

(HNM) - Theo Ban chỉ đạo Chương trình 02 Hà Nội, nguồn vốn của thành phố đã chuyển về các địa phương đúng tiến độ, nhưng vốn đối ứng từ ngân sách huyện, xã và vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân đều không đạt mục tiêu đề ra.



Tại cuộc làm việc với các địa phương nhằm đánh giá lại thực trạng xây dựng NTM hiện nay của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM, một loạt các khó khăn về vốn đã được các địa phương đặt ra, mong muốn thành phố tháo gỡ…

Cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu vốn đối ứng…

Tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, nông dân quay vòng tối đa đất, sản xuất 3 vụ/năm, song năng suất cũng thông thể nâng cao hơn, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn. Tuy vậy, hầu hết các gia đình đều sẵn sàng góp công, của để xây dựng NTM. Trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 6 tỷ đồng thì người dân đã góp ra được 32 tỷ đồng để làm mới toàn bộ các tuyến giao thông nông thôn. Đến nay, xã đã có 10 tiêu chí đạt, 6 tiêu chí cơ bản đạt và 3 tiêu chí chưa đạt. Theo Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nguyễn Văn Sơn, những công trình nhỏ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân còn có thể huy động sức dân, nhưng với những công trình lớn hơn như xây dựng trường học, trạm xá, các tuyến đường liên thôn, liên xã thì vẫn phải trông vào ngân sách nhà nước. Ở xã Mỹ Thành, 95% ngân sách hoạt động của địa phương bằng tiền điều tiết từ ngân sách thành phố. Do vậy, việc đối ứng kinh phí cho các chương trình xây dựng NTM rất hạn chế. "Vừa rồi, xã đã quy hoạch khu đấu giá đất, nhằm tạo nguồn thu theo cơ chế của thành phố. Dù giá chỉ 1 triệu đồng/m2, vẫn không có người mua, do nhu cầu của người dân không nhiều" - ông Sơn cho biết.

Không chỉ vốn cho xây dựng hạ tầng, vốn phục vụ công tác quy hoạch NTM cũng đang thiếu. Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức, về quy hoạch, thành phố cấp 400 triệu đồng/xã, song thực tế triển khai ở Mỹ Đức, mỗi xã hết khoảng 600 triệu đồng. Xã lớn như Hương Sơn, Phùng Xá, kinh phí cho lập quy hoạch hết khoảng 1 tỷ đồng. Theo đề án xây dựng NTM của huyện Mỹ Đức đã được phê duyệt, mỗi xã cần có từ 250 tỷ đến 300 tỷ đồng, nhưng xuất phát điểm của huyện quá thấp. Những tiêu chí không cần vốn lớn đã thực hiện, các tiêu chí còn lại đều cần nhiều kinh phí. Hiện mới có vốn ngân sách thành phố cấp đã đủ 100%, nhưng ngân sách huyện và xã đều không đạt. Trong số 21 xã xây dựng NTM, chỉ duy nhất xã Hương Sơn là tự cân đối được ngân sách (từ 40 tỷ đến 60 tỷ đồng mỗi năm nhờ vào di tích, thắng cảnh chùa Hương), có tiền đầu tư xây dựng cơ bản. Còn lại 20 xã đều chờ ngân sách cấp trên.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Duy Phong, ngoài một số huyện ven đô như Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng đấu giá được và được giá, ở các khu vực xa trung tâm rất khó khăn, số tiền thu được thấp. Tại thị xã Sơn Tây, khu vực trung tâm thị xã cũng chỉ đấu được 1 triệu/m2, ảnh hưởng đến nguồn vốn đối ứng của các địa phương trong xây dựng NTM.

Huy động vốn xã hội hóa chưa tương xứng

Theo cơ cấu vốn quy định tại Quyết định 800-QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, vốn đầu tư xây dựng NTM có nguồn gốc từ ngân sách là 40% (trong đó, vốn chương trình lồng ghép 23%; vốn đầu tư trực tiếp 17%); vốn người dân đóng góp 10%; vốn tín dụng 30%; vốn doanh nghiệp, HTX và các thành phần kinh tế khác là 20%. Tuy nhiên, báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 tại hội nghị giao ban quý II cho thấy, nguồn vốn huy động xây dựng NTM toàn thành phố lũy kế đến hết quý II - 2014 đạt hơn 17.000 tỷ đồng (không tính huyện Từ Liêm mới tách quận), trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là hơn 13.400 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp và nhân dân đóng góp) chỉ đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Báo cáo trên cho thấy, nguồn lực huy động cho xây dựng NTM còn khó khăn, chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp ở nhiều địa phương còn khó khăn.

Tại hội nghị giao ban quý II Ban chỉ đạo Chương trình 02 mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, thành phố đã dành một nguồn lực lớn từ ngân sách cho chương trình, trong khi đó việc huy động doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế, mới chủ yếu là đất. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa hấp dẫn hay do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro...? Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt gợi ý, cần có những liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Đơn cử như việc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh (Đông Anh) liên kết với Hội Nông dân các cấp cho nông dân vay phân bón trả chậm. Đó cũng là cách để huy động doanh nghiệp bỏ vốn vào nông nghiệp, nông dân. Chỉ khi giải được bài toán này sẽ giải được bài toán nguồn lực cho xây dựng NTM.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương: Đề án xây dựng NTM được phê duyệt, mỗi xã cần có 250-300 tỷ đồng. Vốn có nguồn gốc từ ngân sách đầu tư cho các xã xây dựng NTM ở Hà Nội có 3 nguồn: Vốn thành phố, huyện và đối ứng của xã. Khó khăn nhất hiện nay là vốn của xã, hầu hết các địa phương đều trông vào nguồn thu từ đấu giá đất. Trong khi đó, công tác đấu giá gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản "đóng băng", khiến nhiều địa phương thiếu vốn trong xây dựng NTM.

Nhóm PV NN-NT