Hà Nội: Số ca viêm não Nhật Bản đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2013

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:51, 08/07/2014

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, số ca viêm não Nhật Bản trên toàn thành phố đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2013.


Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 6/7, toàn thành phố ghi nhận 27 trường hợp viêm não vi rút, trong đó có 20 trường hợp viêm não Nhật Bản. Con số này gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 15 xã, phường của 12 quận, huyện, chủ yếu là các huyện ngoại thành.

Gần 90% trường hợp mắc bệnh là do chưa tiêm chủng, tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Hà Nội cũng đã xuất hiện các ca viêm não Nhật Bản ở người lớn, đây là hiện tượng rất ít gặp từ trước đến nay vì bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Đến nay, Hà Nội đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1-3 tuổi trên địa bàn thành phố. Qua 2 vòng chiến dịch đã có 164.890/183.083 trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng đạt 90,1%.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản chống dịch cho trẻ từ 1/15 tuổi ở các vùng có nguy cơ cao. Theo đó, từ ngày 5/7, khoảng 15.000 trẻ dưới 14 tuổi chưa được tiêm viêm não Nhật Bản hoặc tiêm chưa đủ mũi, sống ở các xã đã ghi nhận trẻ em mắc viêm não Nhật Bản bắt đầu được tiêm phòng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng thực hiện nghiêm túc việc giám sát dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân chủ động phòng bệnh, đặc biệt khuyến cáo người dân đưa con đi tiêm và tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản khi đến lịch. Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh. Các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại bệnh viện này cũng đã điều trị cho khoảng 50 trẻ bị viêm não Nhật Bản từ tháng 5 và đặc biệt tăng cao trong tháng 6 đến nay. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương lên tới 30% và cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2013.

Các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản


Các chuyên gia y tế dự phòng cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Động vật nhiễm vi rút chính là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người. Trong đó, nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát; nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người là động vật được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, một số gia súc khác như: trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.

Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6,7.

Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người mà bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Tiêm vắc xin VNNB được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng; trong đó mũi 1 lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt. Mũi 2, tiêm mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3, tiêm sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài tiêm vắc xin, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà; ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

Theo Kha Thoa