Cần xác định rõ nguyên nhân khiến kinh tế tăng trưởng thấp
Chính trị - Ngày đăng : 18:09, 08/07/2014
Nhiều ý kiến tham gia thảo luận tại các tổ tập trung vào vấn đề vì sao kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Đại biểu Hồ Quang Lợi cho rằng, trong khi kinh tế thế giới có bước phục hồi dù chưa vững chắc, thị trường bất động sản tại Hà Nội và cả nước có phần “ấm” lên. Đây là 2 điều kiện đáng kể tác động đến tăng trưởng kinh tế Thủ đô, nhưng kinh tế thủ đô 6 tháng đầu năm vẫn kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cho dù năm ngoái kinh tế suy thoái nghiêm trọng hơn, thị trường BĐS “lạnh” hơn năm nay. Do vậy, UBND thành phố, các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về kinh tế cần có nghiên cứu sâu hơn nữa, xác định các nguyên nhân thực sự làm sao không tăng trưởng được kinh tế, ít nhất là bằng năm ngoái, trong khi các tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.. kinh tế tăng trưởng rất tốt.
Cùng chung quan điểm, theo đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ đại biểu Ứng Hòa), rõ ràng qua đánh giá của UBND thành phố, 6 tháng đầu năm nay đạt chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lại tăng hơn… Như vậy, có phải đây là sức ì của nền kinh tế thành phố hay các giải pháp đưa ra chưa đạt hiệu quả. Do đó, UBND thành phố cần phải có đánh giá sâu hơn vì sao kinh tế thủ đô lại chậm dần trong 5 năm trở lại đây. Từ nay đến cuối năm, kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, vậy thành phố có nên điều chỉnh lại một số chỉ tiêu cho phù hợp không? Nếu không điều chỉnh chỉ tiêu thì cần bổ sung thêm các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Huy Việt (tổ đại biểu Gia Lâm), UBND thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tại các sở, ngành của thành phố. Trên thực tế, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và mất rất nhiều thời gian chờ đợi văn bản, sự thống nhất của các sở, ngành khi giải quyết vấn đề mặc dù lãnh đạo UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện. Ông Nguyễn Huy Việt đưa ra ví dụ, do thiếu vốn nên một số dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm chậm được triển khai, nhất là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật xây dựng nông thôn mới. Để tháo gỡ phần nào khó khăn về vốn thì đấu giá đất được xem là một giải pháp. Trong khi đó, 78 ô đất tại huyện Gia Lâm đã tiến hành đấu giá (khoảng 7 tỷ đồng/ô) nhưng hiện nay rất nhiều người trúng đấu giá xin trả lại vì không đủ tiền, do đó, UBND huyện đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố xin điều chỉnh diện tích mỗi ô đất từ 300m2 xuống còn 150m2 để phù hợp với tình hình thực tế, đẩy nhanh tiến độ đấu giá tạo nguồn vốn. Mặc dù, lãnh đạo thành phố đã có ý kiến đồng ý với đề xuất này, nhưng chờ mãi đến nay vẫn vướng mắc thủ tục từ các sở, ngành thành phố liên quan chưa giải quyết được. Do đó, UBND thành phố cần quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính tại các sở, ngành của thành phố chính là một trong những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng.
Lo ngại về nước sạch
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ đại biểu Hà Đông), một trong những lĩnh vực cử tri quan tâm là nước sạch đô thị và nông thôn. Dù tỷ lệ cấp nước sạch đô thị cao nhưng phụ thuộc nhiều vào nước sông Đà, mỗi lần trục trặc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân; bên cạnh đó là tình trạng thiếu nước tại các khu nhà cao tầng. Đáng lo ngại hơn là nước sạch nông thôn. Qua khảo sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, khoảng cách nước sạch đô thị và nông thôn khá lớn. Các giải pháp thời gian qua đang dần hướng tới chỉ tiêu nước sạch nông thôn vào năm 2015. Nhưng với nguồn lực hiện nay gặp khó khăn kể cả công trình xã hội hóa, đặc biệt là các quận phía Tây và các quận huyện sử dụng nước sạch sông Đà như Thạch Thất, Chương Mỹ.
Đại biểu Lê Văn Thư (Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm) cho rằng, vấn đền nước sạch thành phố cần quan tâm hơn nưa. Đây là nhiệm vụ chính trị liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Cần xem xét lại sự phục vụ của các đơn vị cung cấp nước sạch. Do đó, cần kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại ý thức phục vụ, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố. Ví dụ, như tại phường Thượng Cát, trước kia thỏa thuận cấp nước rồi, nhưng khi địa phương làm xong đường ống dẫn nước thì nhất định đơn vị cung cấp không cho đấu nối dù đã có chỉ đạo.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải (Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm) bày tỏ bức xúc: Rất vô lý khi mà đường nước sạch sông đà chạy qua Nam Từ Liêm thì trong số 10 phường của quận có đến 4 phường thiếu nước sạch trầm trọng, đó là Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Phương Canh. Hiện nay, các địa phương này đang phải dùng nước từ trạm nước xây dựng tập trung trước đây hoặc dùng nước giếng khoan...