Cân bằng cán cân quân sự

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:16, 08/07/2014

(HNM) - Tiếp nối một loạt thỏa thuận đạt được sau chuyến công du Nhật Bản tháng 4 vừa qua của Thủ tướng Australia Tony Abbott, nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc Shinzo Abe đã tới thủ đô Canberra ngày 7-7 trong chặng dừng chân thứ hai của hành trình thăm 3 nước khu vực Châu Đại Dương.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, việc củng cố sức mạnh quốc phòng giữa hai quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được Thủ tướng S.Abe đặt trọng tâm ưu tiên trong chuyến công du này.

Australia sẽ sở hữu tàu ngầm lớp Soryu hiện đại của Nhật Bản như một phần của kế hoạch hợp tác quân sự song phương.


Là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm chính thức Australia kể từ năm 2002 đến nay, chuyến công du của nhà lãnh đạo Nhật Bản mang nhiều ý nghĩa hơn bởi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tokyo quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản hướng tới một vai trò lớn hơn cho Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài. Mặc dù còn những ý kiến trong nước quan ngại về sự thay đổi này, nhưng ngay sau khi vị Thủ tướng quyết đoán S.Abe tuyên bố SDF cần được tăng cường năng lực phòng vệ và tham gia vào các hoạt động quân sự ngoài biên giới, Australia đã hưởng ứng tích cực.

Trên tinh thần hợp tác đó, dự kiến sau cuộc hội đàm cấp cao (ngày 8-7), Thủ tướng S.Abe và người đồng cấp nước chủ nhà T.Abbott sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh song phương nhằm tiến tới đàm phán việc ký kết Hiệp ước các lực lượng thăm viếng (VFA). Thỏa thuận này được xem là có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Trên thực tế Nhật Bản chưa từng ký VFA với bất kỳ quốc gia nào, trong khi Australia đã ký hiệp ước tương tự với Philippines vào năm 2007. Nếu thỏa thuận này trở thành hiện thực, VFA sẽ cho phép bỏ qua việc kiểm tra hải quan đối với những thiết bị, khí tài của SDF và quân đội Australia, cho phép xe tăng cũng như các loại xe quân sự khác của Australia vận hành trên các con đường ở Nhật Bản.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Tokyo dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận lịch sử về hợp tác xây dựng hạm đội tàu ngầm công nghệ cao với Canberra. Báo chí Australia nhận định rằng, thỏa thuận phát triển 12 tàu ngầm với Nhật Bản là dự án quốc phòng lớn nhất của Australia hiện nay nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chương trình huấn luyện chung giữa lực lượng quân sự hai nước. Từ lâu tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản được giới quân sự đánh giá cao nhưng Australia chưa thể tiếp cận với loại tàu ngầm này do Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản không cho phép. Bên cạnh đó, Thủ tướng S.Abe dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Australia và có thể sẽ trình bày kế hoạch mở rộng vai trò của SDF trong việc tham gia phòng vệ tập thể.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và Australia được nhà lãnh đạo hai nước đề cập. Trong chuyến thăm Tokyo tháng 4 vừa qua, Thủ tướng S.Abe và người đồng cấp T.Abbott đã nhất trí tăng cường tập trận chung giữa hai bên. Vì thế, khi VFA được ký kết sẽ tạo điều kiện cho SDF tham gia tập trận chung với các lực lượng thăm viếng của Australia cùng đồng minh chung của hai nước là Mỹ. Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự hiện diện của các lực lượng Mỹ - Australia không chỉ góp phần bảo đảm an ninh cho Nhật Bản trước những thách thức an ninh của khu vực Đông Bắc Á mà sẽ có tác dụng ngăn chặn các hành động ngày càng gây quan ngại của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia, với tổng kim ngạch song phương trong năm ngoái vào khoảng 70 tỷ USD. Tháng 4 vừa qua hai nước đã đạt được thỏa thuận quan trọng về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương sau 7 năm đàm phán và dự kiến hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2015. Vì thế, việc thúc đẩy hợp tác từ kinh tế đến an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và Australia sẽ có lợi cho cả đôi bên. Quan trọng hơn, việc thắt chặt hợp tác giữa hai quốc gia phản ánh xu thế thiết lập các đối trọng quyền lực tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nói một cách cụ thể là sự trỗi dậy không hòa bình của Bắc Kinh thông qua những tuyên bố chủ quyền phi pháp và các động thái ngang ngược trên thực địa đã thúc đẩy Tokyo và Canberra tăng cường hợp tác trong một lĩnh vực phi truyền thống như quân sự. Trên thực tế, cả Nhật Bản và Australia đều nhiều lần khẳng định những lợi ích chiến lược tại các vùng biển trải dài từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á cũng như sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở những khu vực này.

Đình Hiệp