Bất thường và... bình thường
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:50, 08/07/2014
Đúng vào tháng nắng nóng mà số điện năng tiêu thụ lại thấp hơn các tháng trước hàng trăm ki lô oát (kW) thì quả là bất thường. Thay vì chuyện được mua hàng rẻ thì người dân phát hoảng vì không biết hàng trăm số điện bị ghi thiếu đó sẽ được tính toán như thế nào vào hóa đơn tiền điện những tháng tiếp theo?
Chuyện trên, đầu tiên ngành chức năng khẳng định quá trình ghi chỉ số công tơ và tính toán hóa đơn không có gì sai sót. Nhưng cuối cùng mọi việc cũng sáng tỏ bởi nguyên nhân là do lúc chốt số điện, các công nhân của bên bán điện không trực tiếp nhìn con số trên đồng hồ mà chỉ ang áng, ước chừng theo cảm tính để ghi.
Việc làm thiếu trách nhiệm như vậy là không bình thường và điều lạ là họ không ghi nhiều hơn mức vẫn dùng hằng tháng của hơn 200 hộ dân. Suy cho cùng, họ làm như vậy thì lợi ích thuộc về doanh nghiệp bán điện chứ không phải là người dân. Dẫn chứng cụ thể, giả sử mỗi tháng gia đình bạn dùng 300 số điện, hai tháng là 600 số điện, nhưng mức dùng 280-320 số điện/tháng chênh lệch rất lớn so với mức dùng 150 số điện tháng này và khoảng 450 số điện tháng sau bởi tiền điện được tính theo bậc thang, lũy tiến. Vì thế, tháng này "được" đóng ít tiền thì đừng vội mừng kẻo tháng sau lĩnh đủ. Ấy chính là điều bất thường trong việc tính tiền điện đối với khách hàng vốn là chuyện bình thường khi mua điện thì phải trả tiền mà gia đình nào cũng phải thực hiện hằng tháng.
Lại nữa, từ xưa tới nay, có lẽ khách hàng của ngành điện đã quá quen với những điều bất thường nên không để ý. Một thời, ngành điện phát hiện nhiều khách hàng dùng các thủ thuật ăn cắp điện trước công tơ nên sau đó công tơ điện của các hộ gia đình được chuyển ra khỏi nhà, nơi treo đầu nhà, chỗ mắc ở hành lang, ngoài cột điện... Hằng tháng, ngành chức năng cử người đi ghi số rồi về tính toán, thu tiền. Khách hàng chỉ đến khi nhận hóa đơn mới biết mình dùng bao nhiêu số điện, mất bao tiền. Tất cả hoạt động đó diễn ra theo kiểu tin nhau là chính, chả có ai giám sát nên có ghi sai, tính nhầm (ở mức không quá bất thường) thì cũng chịu. Nếu có chăng những thắc mắc, kiến nghị thì cũng không có cơ quan độc lập nào đứng ra phân xử mà chính người bán điện sẽ thực hiện công việc kiểm tra để hồi âm, chả khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Bên mua điện không phải không biết những điều bất thường như đã nêu ở trên, nhưng vấn đề là ở chỗ không có sự lựa chọn nào khác nên chỉ còn cách cam chịu.
Xét cho cùng, ở đây không hề có sự bình đẳng giữa bên bán hàng và bên mua hàng. Đó là chuyện bất thường. Song khi đã thành quen thì những điều bất thường trở thành chuyện bình thường.
Tồn tại tình trạng trên - xin lưu ý, đây chỉ là một trong những bức xúc nhỏ nhặt hoặc là chuyện thường ngày "biết rồi, khổ lắm" của người mua hàng, còn những vấn đề lớn hơn rất nhiều luôn được các đại biểu Quốc hội phản ánh trong các kỳ họp từ chi phí đầu tư, khấu hao, cách tính giá thành, sử dụng nguồn vốn... tới những bất cập trong quản lý, điều hành - phải chăng là do nguyên nhân bắt nguồn từ sự độc quyền của ngành chức năng? Khi họ không phải cạnh tranh với ai và chả ngại ai, đồng thời mọi thông tin cần thiết còn thiếu sự công khai minh bạch thì những chuyện bình thường "đặc biệt" hoặc bất thường như đã nêu... nào đã sao!
Điều duy nhất các "thượng đế" cần lưu ý, đến hạn không đóng tiền là bị cắt điện. Còn vấn đề quyền bình đẳng giữa người mua và người bán trong cơ chế thị trường... xin hãy chờ hồi sau phân giải.