Vụ hóa đơn tiền điện tăng vọt: Vẫn chưa rõ trách nhiệm cuối cùng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:43, 07/07/2014
Theo đó, có phóng viên hỏi, trong tháng 6 vừa qua, tại khu vực nội thành Hà Nội, nhiều người dân kiến nghị hóa đơn tiền điện bị đội lên nhiều, trong khi đó ở khu vực ngoại thành là xã Trung Giã, Sóc Sơn, 200/300 hóa đơn tiền điện lại ghi hụt so với số công tơ. Vì sao có thực trạng này?
Với vấn đề trên, ông Quang Trung – Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực Hà Nội thừa nhận: Ở Sóc Sơn do 2 công nhân ghi số điện thiếu trách nhiệm, đơn vị điện lực cũng đã phát hiện ra, ghi lại hóa đơn cho khách hàng. Hiện cơ quan điện đã đình chỉ việc của hai công nhân. Theo ông Trung, việc ghi hóa đơn tiền điện có thể sai sót, EVN có thể hủy hóa đơn, làm lại.
Ông Trung cũng cho biết thêm, trên hóa đơn tiền điện có ghi rất rõ kỳ ghi số, khách hàng có thể đối chiếu kiểm soát. EVN Hanoi cũng có trang web để khách hàng tra cứu. EVN Hanoi hiện có khoảng 1.200 người ghi chỉ số công tơ.
Với khu vực nội thành, tại các hộ dân có kiến nghị cụ thể, ông Quang Trung cho biết đơn vị điện lực đã đến kiểm tra, làm việc cụ thể và nhận được sự thống nhất của khách hàng. Việc tăng hóa đơn tiền điện đột biến ở nội thành không phải do cách tính biểu giá điện thay đổi từ 1/6.
Bổ sung thêm về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Từ 1/6, Bộ Công thương có thay đổi biểu giá tính điện theo 3 mức nhưng tiền điện không thay đổi. Trước đây, giá bán ra của điện và xăng dầu dưới giá thành, tới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ điều chỉnh theo thị trường. Với các hộ nghèo, Chính phủ hỗ trợ 30 số điện/tháng không mất tiền. Khu vực biển đảo cũng được hỗ trợ về giá.
Hiện EVN có báo cáo Bộ Công thương, thực hiện biểu tính giá điện theo 3 mức chắc chắn giá điện sẽ giảm, chứ không tăng lên. 72% khiếu nại của người dân liên quan đến hóa đơn tiền điện là các hộ dân dùng từ trên 400 số, 28% là trên 100 số và không có hộ dân nào trên 100 số.
Mặt khác, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng giải thích vì sao vấn đề hóa đơn điện nóng như thế sao chưa tổ chức thanh tra; Thứ trưởng cho biết mọi việc làm phải có quy trình. Tổng công ty điện lực Hà Nội thuộc Tập đoàn điện lực VN, Bộ Công thương sẽ có kết luận về vấn đề trên sau khi nhận được giải trình đầy đủ từ phía EVN.
Tại cuộc họp, các phóng viên cũng hỏi về việc chất lượng điện áp không ổn định, gây mất an toàn cho thiết bị điện của người dân (thực tế là do điện áp tăng cao, nhiều thiết bị như điều hòa, ti vi, quạt… đã bị cháy và người dân phải tự sửa chữa; chưa thấy ngành điện chịu trách nhiệm gì). Vậy EVN có chế tài nào để quản lý vấn đề này? Với câu hỏi này, ông Quang Trung chỉ trả lời chung chung rằng phải đi khảo sát chất lượng điện áp mới có câu trả lời chính thức.
Ngoài ra, liên qua đến chất vấn, có cần cơ quan độc lập kiểm định giá điện để tránh việc EVN vừa đá bóng, vừa thổi còi? Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực khẳng định: Việc hóa đơn tiền điện tăng có thể do sản lượng điện tiêu thụ tăng cao. So sánh biểu giá điện cũ và điện mới, việc thanh toán tiền điện thực tế có giảm hơn với cùng một sản lượng điện tiêu thụ. Ví như, dùng 400 số điện giảm 38.000 đ. Theo Cục trưởng, vấn đề còn lại là xác định chỉ số công tơ. Việc giám sát tất cả các thiết bị ở các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khó khăn; Đề nghị toàn dân tham gia giám sát chỉ số công tơ.
Như vậy, chung quanh hóa đơn tiền điện, “quả bóng” trách nhiệm cuối cùng lại đẩy về phía người dân nhưng khi người dân phát hiện vấn đề sai, chưa thấy ngành điện đứng ra nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả!?