Cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 14:54, 07/07/2014

(HNMO) - Tô Hoài - bút danh văn chương, như chút riêng tư của người cầm bút nhưng trải qua mấy chục năm viết văn vắt qua hai thế kỷ, cái tên ấy định danh một con người là chứng nhân của lịch sử, của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.



Tô Hoài, tthực sự phải nhìn nhận sự đóng góp của ông từ nhiều góc độ: một lão thành cách mạng, một nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xuất bản, người lãnh đạo tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và đặc biệt là một người Hà Nội tinh anh, hóm hỉnh, uyên bác mà vô cùng gần gũi.


Tô Hoài tham gia cách mạng từ trước năm 1945, trong Hội Ái hữu công nhân, Hội Văn hóa cứu quốc. Từ năm 1945 đến 1958, ông làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc (Tổng bộ Việt Minh). Ông cũng trải qua trọng trách Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1958), rồi Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958-1980) và Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội (1986-1996). Những năm tháng gian khổ và thiêng liêng ghi dấu bóng dáng Tô Hoài ở rất nhiều sự kiện quan trọng. Lịch sử hình thành Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam nêu rõ: “NXB Văn nghệ ra đời năm 1948, trong hai năm đầu tiên, dù khó khăn, hằng năm đơn vị này vẫn cho ra mắt gần 20 đầu sách. Trong đó, bên cạnh tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Kim Lân là cuốn “Vỡ tỉnh” của Tô Hoài”. Sự “can dự” khác của nhà văn với đời sống báo chí, văn hóa, văn nghệ trong buổi đầu của nhà nước độc lập ấy cũng được kể trong “Tô Hoài hồi ký” (NXB Hội Nhà văn, 1997). “Giữa năm 1957, Hội Nhà văn được thành lập…Đã nhiều năm làm nghề viết trong kháng chiến và có làm báo làm xuất bản nhưng cũng là ngồi trong rừng điều khiển đôi quang gánh sách báo đi các chiến khu, chúng tôi bỡ ngỡ và háo hức những công việc mới”…

Không chỉ “can dự”, sống cùng thời đại, Tô Hoài chuyển tải tinh thần thời đại đến với các thế hệ bạn đọc qua trang viết của mình. Tô Hoài để lại hơn 150 đầu sách cho nhiều đối tượng bạn đọc. Dù viết cho người lớn hay viết cho thiếu nhi, viết về vùng ven đô, nội thành hay miền núi, ông đều chân thành thuyết phục người đọc, để lại bóng dáng không thể phai mờ. Chúng ta có những tác phẩm đã trở thành tài sản của nền văn hóa, văn học cách mạng như “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”, “Quê nhà”, “Chuyện cũ Hà Nội”, “Chiều chiều”, “Ba người khác” và những “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”… đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ bạn đọc.

Trong lĩnh vực văn học thiếu nhi, Tô Hoài để lại dấu ấn mở đường rõ nét. Theo NXB Kim Đồng: “Tô Hoài là Giám đốc đầu tiên của NXB Hội Nhà văn (ra đời năm 1957). Ông cùng với Giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tuy là những cây bút lớn của nền văn học Việt Nam nhưng cũng rất thiết tha với việc viết cho các em thiếu nhi”. Không chỉ viết, ông còn đau đáu với phong trào viết cho trẻ: “Trước năm 1945, chỉ có sáng tác mà chưa có phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Đã có văn học cho thiếu nhi nhưng chưa đủ để khẳng định đã có một nền văn học cho thiếu nhi”.

Tô Hoài với đề tài miền núi cũng là một câu chuyện xúc động. Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chia sẻ với PV Báo Hànộimới: “Tô Hoài là người thầy tinh thần của nhiều thế hệ nhà văn miền núi. Ông là một trong những người đi đầu, phát triển văn học dân tộc miền núi với quan điểm sáng tạo nhân văn. Hình tượng con người, cuộc sống miền núi được khai thác không phải như một thứ kỳ bí, xa xôi, mà thật gần gũi, thân thiết thông qua những trải nghiệm của chính ông. Và người dân tộc miền núi cũng bước vào trang văn của ông với một vẻ tự tin, vững vàng với vai trò một yếu tố cấu thành nền văn học Việt Nam. Một đóng góp rất lớn khác của Tô Hoài mà có thể ông không nghĩ đến, là bằng sức viết và tài năng, ông đã lôi cuốn rất nhiều nhà văn đi theo những trang viết nhân văn về miền núi của mình với một tình cảm thật sự yêu tin”.

Tô Hoài sở dĩ đến được với mọi vùng đất, đồng cảm với mọi thân phận có lẽ là bởi ông đã sống trọn vẹn với hồn cốt người Hà Nội của mình. Tên gọi Tô Hoài, như ông viết “Cái bút danh Tô (sông Tô Lịch) Hoài (phủ Hoài Đức) sau này của tôi cũng trong những ảo ảnh tương tự. Làn nước cỏn con chảy qua miền đất cổ mà trong cổ tích thì kể xa xưa là sông Thiên Phù, sông Tô Lịch mênh mông quanh năm trên bến dưới thuyền…”.

“Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài xuất bản lần đầu năm 1986 mới chỉ có bốn chục chuyện. Lần tái bản năm 2007 đã gồm 114 chuyện với không gian mở rộng, thời gian dãn dài, phong phú hơn, trong đó không chỉ có vùng ven đô mà là cả nội thị Hà Nội trải trong tập sách. Nói như cố nhà giáo, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc thì “Chuyện cũ Hà Nội còn có thể coi là một tập điều tra xã hội học về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX bằng văn chương”. Nhà văn thế hệ sau Hồ Anh Thái nói: “Tô Hoài là một cây đại thụ văn học bắt rễ từ đầu thế kỷ XX, thành ra một chứng nhân của những đổi thay trên đất Hà Nội”. Những đóng góp của ông cho văn hóa, văn học Hà Nội được chính những nhà nghiên cứu, bạn văn nhiều thế hệ ghi nhận. Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010 mà Tô Hoài được trao tặng là một ghi nhận đồng lòng của công chúng đối với tình yêu Hà Nội bền bỉ của ông, “cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội”.

Giờ đây, khi Tô Hoài đã ra đi, mới lại thấy sự trở về với trang sách của ông là trở về với Hà Nội tinh thần một thuở, với đất nước và những năm tháng đặt nên móng cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Càng ngẫm càng thấy Tô Hoài lớn biết bao so với câu chữ mà ta có thể viết về ông!

Thi Thi