“Ông Dế mèn” đã để lại một cánh đồng văn chương trù phú
Văn hóa - Ngày đăng : 09:00, 07/07/2014
Chiều và tối qua, cùng với những dòng tin chứa đựng niềm tiếc thương trên các trang thông tin điện tử, văn sĩ và báo giới cũng không khỏi bàng hoàng chia sẻ thông tin "ông Dế mèn" đã ra đi, cho dù lâu nay vẫn biết ông đã ngấp nghé cho chuyến phiêu lưu cuối cùng của mình.
Nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; nhà nhiếp ảnh của văn nghệ sĩ - Nguyễn Đình Toán… và nhiều văn nghệ sĩ khác đã bày tỏ sự bối rối, xúc động khi hay tin lão nhà văn đáng kính đã rời xa chúng ta.
Nhà văn Tô Hoài trước hết là một người Hà Nội. Ông sinh ngày 27-9-1920 tại phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy; nguyên quán là thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Tinh thần, phẩm cách Hà Nội của ông cũng thấm đẫm trong những tác phẩm cho dù ông viết về đề tài gì, về vùng đất nào. Đó là sự tinh tế trong quan sát, trong văn phong, một chiều sâu văn hóa ẩn sau từng câu chữ tạo nên thứ men cuộc sống đậm đà lay động biết bao thế hệ bạn đọc. Tô Hoài còn là một người Hà Nội thể hiện trong lối sống, trong cách ứng xử của ông với cuộc đời, với con người.
Nhớ về nhà văn Tô Hoài cũng không thể không nhắc tới ông với vai trò một nhân chứng lịch sử của văn nghệ cách mạng Việt Nam. "Giữa năm 1943, Trung ương triệu tập một số văn nghệ sĩ có cảm tình với cách mạng thảo luận về Đề cương văn hóa Việt Nam. Sau đó Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập, lấy Đề cương làm cương lĩnh hoạt động. Văn hóa cứu quốc có một số hoạt động tuyên truyền chống phát xít và phát triển ảnh hưởng của Việt Minh trong giới văn nghệ, trí thức, vận động mở rộng tổ chức. Từng đồng chí cốt cán tuyên truyền trong môi trường hoạt động của mình. Như đồng chí Tô Hoài tuyên truyền trong môi trường với các bạn văn và người cảm tình ở Bưởi…" (Báo cáo 60 năm thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam).
Sau này, nhà văn Tô Hoài cũng trải qua những cương vị quan trọng như Tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Nhưng điều quan trọng nhất là lão nhà văn của chúng ta đã đồng hành một cách bền bỉ cùng văn nghệ đất nước, cùng bạn đọc suốt hành trình sống và viết của cuộc đời ông. Kể từ khi tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" ra đời năm 1940, tức là cách nay hơn 70 năm, cho đến đầu những năm 2000, ông vẫn có những tác phẩm khiến văn giới và bạn đọc không thể thờ ơ như "Chiều chiều", "Ba người khác"…
Tô Hoài, có thể nói cũng là nhà văn hiếm hoi viết hay đồng thời cho cả người lớn và trẻ em. "Dế mèn phiêu lưu ký" đã quá đỗi thân thuộc, nhưng không phải là ví dụ duy nhất. Chất thơ, vẻ trong trẻo, đẹp đẽ trong văn chương của ông thật ra rất gần gũi với tâm hồn con trẻ. Chẳng thế mà NXB Kim Đồng những năm qua không ngừng xuất bản, tái bản nhiều tác phẩm của Tô Hoài như "Chuyện ngày xưa - 100 cổ tích", "Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Tô Hoài", "Chuyện nỏ thần", "Đảo hoang"…
Để lại hơn 100 tác phẩm trong đời cầm bút của mình, "ông lão Dế mèn" đã được ghi nhận bởi nhiều giải thưởng văn học như Giải nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam cho "Truyện Tây Bắc" (1956), "Giải A của Hội Văn nghệ Hà Nội cho tiểu thuyết "Quê nhà" (1967), Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi cho tiểu thuyết "Miền Tây" (1980)… và Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Nhưng chắc chắn còn một giải thưởng lớn cho đời viết văn của ông là tấm lòng mến yêu và sự công nhận không gợn chút hoài nghi về tài năng, phẩm cách nhà văn của Tô Hoài do nhiều thế hệ bạn đọc, bạn nghề trao tặng.
Tô Hoài đã rời xa chúng ta để bắt đầu một hành trình phiêu lưu mới, để lại một cánh đồng văn chương trù phú nơi cõi dương gian. Xin vĩnh biệt và cảm tạ ông vì những hạt giống nhân văn ông đã gieo trồng cho bạn đọc!