Cần thiết nhưng không thể vội vã

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 07/07/2014

(HNM) - Báo chí vừa đưa tin, ngày 5-7, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT dừng triển khai đề án "Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam".

Như vậy là sau một thời gian gây ồn ào dư luận với rất nhiều ý kiến trái chiều, chương trình tích hợp tiếng Anh dự kiến triển khai tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố này đã bị "tuýt còi". Chưa bàn tới chất lượng hay - dở, song có thể khẳng định điều khiến chương trình này bị "ném đá" dữ dội chính là cách thức triển khai có phần vội vã, trong khi nhiều thông tin lại mập mờ, mâu thuẫn, có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng triệu học sinh phổ thông trên địa bàn. Vì vậy, việc cấp có thẩm quyền yêu cầu dừng ngay chương trình, đồng thời yêu cầu cơ quan chủ quản phải giải trình rõ là hết sức kịp thời, cần thiết và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận.

Mặc dù chương trình tiếng Anh tích hợp nói trên là "sáng kiến" của một địa phương, nhưng những chuyện lùm xùm đằng sau nó đã xới xáo nỗi bức xúc của dư luận cả nước về vấn đề đổi mới dạy và học ngoại ngữ.

Trong hàng chục năm qua, ngoại ngữ được xem là môn học quan trọng ở các cấp học phổ thông. Cùng với toán và văn, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cũng trong hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước và ngành GD-ĐT đã dành nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho việc dạy và học ngoại ngữ, từ hệ thống trường lớp, trang thiết bị cho tới đội ngũ giáo viên…. Phần lớn phụ huynh cũng sẵn sàng dốc công sức, kinh phí cho con em học ngoại ngữ đạt kết quả cao nhất. Đặc biệt là năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Với kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, mục tiêu của đề án nhằm thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; đến năm 2020 tăng đáng kể tỷ lệ thanh, thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp... Phải khẳng định rằng, đó là một chủ trương đúng và phù hợp, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy kết quả của việc dạy và học ngoại ngữ cho học sinh phổ thông chưa tương xứng với sự quan tâm và kỳ vọng. Do chỉ chú trọng ngữ pháp mà ít luyện nghe - nói nên sau gần chục năm "dùi mài" trên ghế nhà trường (ít nhất là 7 năm), hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông ở nước ta vẫn không nghe được, không nói được ngoại ngữ, so với học sinh các nước trong khu vực kém rất xa. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân của thực trạng trên là do "cách dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam không giống ai trên thế giới"!

Tình trạng yếu kém trong dạy và học ngoại ngữ ở nước ta đòi hỏi phải được đổi mới, nhưng đây là việc không dễ làm trong "một sớm một chiều". Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT quyết định chuyển môn ngoại ngữ từ một môn thi bắt buộc trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua được xem là sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Lập tức chỉ có 16% học sinh chọn thi môn ngoại ngữ (thấp thứ hai sau môn lịch sử) và thống kê này càng phản ánh rõ những bất cập trong dạy và học ngoại ngữ thời gian qua cần phải nhanh chóng khắc phục.

Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ là việc hết sức cần thiết và phải khẩn trương trong bối cảnh hiện nay, nhưng rõ ràng không thể thực hiện một cách vội vã, càng không thể đổi mới bằng mọi giá. Chính vì vậy các cơ quan chức năng phải thận trọng xem xét, tính toán các giải pháp để đề án đổi mới mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt là thông tin phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh gây ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Hà Anh