Bệnh “ăn vạ”
Xã hội - Ngày đăng : 03:07, 06/07/2014
Em Trần Thu Trang (HS lớp 8A2, Trường THCS Lê Quý Đôn):
- Em nhớ nhất có lần xin bố mẹ sử dụng tiền mừng tuổi để "lên đời" chiếc xe đạp điện "xịn" giống mấy cô bạn cùng xóm. Bố đã không đồng ý, em cảm thấy rất buồn và dỗi bố mẹ bằng cách nhịn ăn cơm cùng cả nhà. Em trốn ở trong phòng, bố mẹ gọi thế nào cũng không xuống. Nhưng sáng hôm sau đi học, em rất mệt và đói bụng, trưa đi học về em đã thấy bố mẹ làm rất nhiều món ăn ngon để phần. Em cảm thấy rất ngượng ngùng vì đã làm bố mẹ lo lắng. Bố nói hành động "ăn vạ" của em làm cả nhà buồn và phân tích cho em hiểu bố mẹ không mua xe đạp điện vì sợ nguy hiểm cho em khi đi trên đường với tốc độ cao. Em đã hứa với bố mẹ lần sau sẽ không tái phạm chuyện vòi vĩnh, hờn dỗi làm bố mẹ phiền lòng.
Em Nguyễn Văn Hưng (HS lớp 9A8, Trường THCS Yên Hòa):
- Ăn vạ là một thói xấu của những bạn HS quen được cả nhà nuông chiều. Lớp em cũng có một bạn hay giở thói "ăn vạ" với cả bạn bè trong lớp và thầy cô giáo. Nếu chẳng may có bạn nào không cho chép bài là bạn ý sẽ năn nỉ, khóc lóc. Thầy cô giáo trách phạt thì sẽ giở ngay thói "mít ướt". Một thời gian sau, các bạn trong lớp đều tránh xa và mỗi khi bạn ý định giở chiêu "ăn vạ" là mọi người lại chê cười, chế giễu. Cô giáo cũng gặp gỡ phụ huynh để đề nghị nhắc nhở bạn ý bớt thói xấu này. Sau khi hiểu ra, hành động "ăn vạ" của mình không có tác dụng mà lại khiến các bạn khác khó chịu, không cùng chơi chung, bạn ý cũng dần dần sửa đổi tính nết.
Cô Trịnh Thu Hương (Phụ huynh HS, 96 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội):
- Bệnh "ăn vạ" của các em HS phần đông là do được gia đình nuông chiều thái quá. Nếu một lần đòi hỏi mà không được nhưng khi giở thói "ăn vạ" lại được đáp ứng ngay thì các em sẽ quen với cách vòi vĩnh đó. Nhiều bạn còn dọa bố mẹ nhịn ăn, giả vờ ốm, khóc lóc, thậm chí đòi… tự tử, rạch tay chân nhằm gây áp lực khiến bố mẹ phải chiều theo sở thích.
Khi thực hiện những hành vi "ăn vạ" nguy hiểm kiểu này, các em đang bộc lộ sự bất ổn trong tâm lý. Nếu lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý dẫn tới tính ích kỷ, vô trách nhiệm. Với những hành động "ăn vạ", các em đã thể hiện sự không biết chăm lo, tôn trọng chính bản thân mình. Như vậy, các em cũng sẽ nhận lại sự coi thường từ chính các bạn bè đồng trang lứa và sự thất vọng của người lớn. Do đó, mỗi khi con giở chiêu "ăn vạ", bố mẹ nên kiên quyết không thỏa hiệp với đòi hỏi của các em mà nên phân tích cho con hiểu tác hại của hành vi xấu này.