Phía sau ánh hào quang

Hồ sơ - Ngày đăng : 02:08, 06/07/2014

(HNM) - Quy mô kinh tế Trung Quốc có thể chỉ bằng 2/3 so với số liệu từng công bố...

(HNM) - Giữa lúc những thông tin không mấy lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ nay đến cuối năm được đưa ra, báo cáo mới nhất của Tổ chức Nghiên cứu kinh doanh về kinh tế Trung Quốc - tổ chức nghiên cứu toàn cầu của Mỹ có văn phòng tại Trung Quốc - cho biết: Sau khi tính toán lại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ngược trở về năm 1952 cho thấy, quy mô kinh tế Trung Quốc có thể chỉ bằng 2/3 so với số liệu từng công bố. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh báo cáo trên, nhưng nó đã phần nào cho thấy các số liệu Trung Quốc công bố ngày càng trở nên kém tin cậy.

Tăng trưởng kinh tế trên thực tế của Trung Quốc được cho là thấp hơn so với thống kê của nước này.


Được đăng tải trên mạng tin World Affairs, báo cáo đã trích dẫn kết quả công trình nghiên cứu của nhà kinh tế Harry Wu, trong đó ước tính GDP của Trung Quốc giai đoạn 1978 - 2012 chỉ tăng 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 9,8%/năm mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố. Sự chênh lệch về số liệu trong giai đoạn được gọi là "thời kỳ cải cách" này phần lớn là do kết quả của sự tính toán trên danh nghĩa thiếu đầy đủ của Bắc Kinh về biến động giá. Vì thế, những phát hiện của Harry Wu có thể ảnh hưởng đến các nhận định trước đó cho rằng Trung Quốc là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hoặc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài việc cho thấy quy mô thực sự của nền kinh tế Trung Quốc, công trình này còn chỉ rõ một vấn đề quan trọng hơn là tính chất thiếu ổn định trong nền kinh tế của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này.

Những thông tin trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo mới, trong đó nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong những năm tới, từ mức 7,7% năm 2013, xuống 7,6% năm 2014 và 7,5% năm 2015 trong bối cảnh chính phủ nước này tìm cách tái cân bằng nền kinh tế. Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm trên là do đầu tư chững lại trong khi nhu cầu từ những thị trường trọng yếu như Mỹ, Châu Âu đều sụt giảm mạnh. Không chỉ đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa lên tiếng thúc giục Trung Quốc tập trung kiểm soát những rủi ro bắt nguồn từ việc nợ nần gia tăng nhanh chóng khi tăng trưởng kinh tế nước này còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng các khoản nợ, đặc biệt là nợ tích lũy từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 có thể dẫn tới các vấn đề tài chính cũng như làm gián đoạn đà tăng trưởng kinh tế vốn đã chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo WB, tổng dư nợ của Trung Quốc đã tăng từ mức tương đương 124% GDP năm 2007 lên trên 200% trong năm 2013. Nợ công ty (tương đương 125% GDP) của nước này hiện ở mức cao nhất trong số các nước Châu Á.

Giữa lúc những tín hiệu không mấy lạc quan đối với nền kinh tế Trung Quốc được đưa ra, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này cũng không mấy sáng sủa. Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây công bố, nước này đã thu hút được 8,6 tỷ USD vốn FDI trong tháng 5, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 1-2013. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn FDI đổ vào Trung Quốc đạt 49 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức thấp nhất trong vòng một năm. Theo các chuyên gia kinh tế, sự giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất Châu Á có thể đã khiến các công ty nước ngoài không muốn đổ thêm tiền vào đây. Cùng với đó, ngày càng có nhiều dự đoán rằng đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá trong năm nay và căng thẳng chính trị tác động đến thương mại cũng có thể khiến các công ty ngừng việc đầu tư mới.

Tăng trưởng của nền kinh tế được xem là sự thần kỳ Châu Á đang chậm lại sau một thời kỳ dài tăng trưởng nóng. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng để thỏa mãn cơn khát tăng trưởng, Trung Quốc cũng đồng thời phải đối diện với những thách thức về môi trường, xã hội và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, việc giải quyết những khó khăn lâu dài này không thể chỉ bằng việc bơm vốn đầu tư hay tăng chi tiêu công… Một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư… là những giải pháp được nhắc tới. Song, một yếu tố quan trọng khác là một môi trường chính trị ổn định và mối quan hệ hài hòa với các quốc gia trong khu vực nhằm khẳng định tuyên bố trỗi dậy hòa bình. 

Đình Hiệp