Mô hình thí nghiệm vào đề thi Hóa

Tuyển sinh - Ngày đăng : 11:36, 05/07/2014

Sau 90 phút làm bài trắc nghiệm Hóa học (khối A) và Ngoại ngữ (khối A1), hơn 500.000 thí sinh kết thúc kỳ thi đại học. Thí sinh thi khối V tiếp tục với các môn năng khiếu.

Sáng 5/7, thời tiết Hà Nội dịu mát. Đồng hành cùng con đến trường thi, nhiều phụ huynh xách theo đồ dùng để có thể về quê ngay sau khi kết thúc môn thi.

Đại học Phòng cháy chữa cháy kết thúc ba buổi thi an toàn, không phát hiện gian lận hay thi hộ, thi kèm. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, những năm trước trường đều phát hiện thí sinh thi hộ. Để phát hiện sớm và phòng tránh việc này, trường đã có nhiều biện pháp như yêu cầu thí sinh dùng ảnh tươi (mới chụp), giám thị đối chiếu kỹ ảnh và người thật trong ngày làm thủ tục.

"Trường còn thuê thiết bị là tai nghe siêu nhỏ về để giám thị làm quen, dễ dàng phát hiện nếu có thí sinh sử dụng. May mắn là đến khi kết thúc kỳ thi không thí sinh nào gian lận, chỉ có ba trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng", thầy Hà cho hay.

Được sự chào đón của sinh viên Đại học Phòng cháy chữa cháy sau khi rời phòng thi, các thí sinh có tâm trạng vui buồn khác nhau. "Con thấy đề Hóa dễ thở hơn Toán và Lý. Có lẽ kết quả khả quan", một nam sinh cười thông báo với bố đang ngồi bên vệ đường. Người cha nắm tay con thật chặt.

Còn Văn Đình Luyện (Ứng Hoà, Hà Nội) thì hơi buồn vì Hoá không phải môn em học được, bài làm vì thế không tốt. Là lính nghĩa vụ vừa xuất ngũ, Luyện không có thời gian ôn tập nhiều.

"Nhiều câu hỏi lý thuyết em bị quên, câu hỏi bài tập thì nhớ được mấy công thức nên làm được. Khi so lời giải môn Lý em tính được 5 điểm, Toán được 5,5. Ba môn khoảng 15 điểm, tính cả điểm ưu tiên nghĩa vụ quân sự, khu vực, hy vọng sẽ đỗ trung cấp", Luyện nói.

Tại điểm thi đại học Quốc gia Hà Nội, các sĩ tử của khối A kết thúc môn thi cuối với tâm trạng không thoải mái. Nhóm thí sinh đến từ THPT Chương Mỹ A (Hà Nội) cho rằng: Đề Hóa năm nay khó, nhiều đổi mới.

“Đề thi có phần đồ thị và yêu cầu tìm số mol, phản ứng điều chế. Mô hình thí nghiệm Hóa học cũng được đưa vào để thí sinh chỉ ra đây là thí nghiệm gì. Từ trước đến nay chúng em chưa được học dạng bài đó. Vì chẳng mấy khi được thực hành thí nghiệm nên nhìn vào hình vẽ em cũng không biết lời giải đúng sẽ là gì”, Hà Thị Thanh nói.

Theo thí sinh này, đề Hóa học năm nay có sự phân loại học sinh cao, nhiều câu rất dễ và không ít câu khó. Một số câu hỏi với 5-6 ẩn số khiến người làm bị loạn, dễ nhầm lẫn. Phần lý thuyết trong đề Hóa ít hơn bài tập. Nội dung thi bao quát kiến thức lớp 10-12.

Tạ Thu Huyền (THPT Việt Yên, Bắc Giang) cũng cho rằng, đề thi Hóa học dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh bởi nhiều dữ kiện. Theo em, nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, việc lấy điểm 7 ở môn này không khó. Thí sinh này tự tin mình sẽ được 8,5 điểm cho môn thi cuối cùng.

Thí sinh kết thúc kỳ thi đại học với tâm trạng khác nhau. Ảnh: Quý Đoàn.


Tại TP HCM, khác với hai môn thi trước, nhiều thí sinh rời điểm thi với tâm trạng khá vui vẻ. Một số thí sinh dự thi ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, đề tập trung nhiều kiến thức ở lớp 12.

"Đề năm nay cấu trúc khá lạ so với những năm trước, mang tính ứng dụng nhiều công thức. Để đạt được 5 điểm thì không khó, nhưng có lẽ rất ít thí sinh được điểm khá vì có nhiều câu rất khó nhằn", một thí sinh chia sẻ.

Ở khối thi A1, Trâm Anh (trường THPT Gia Định, thi tại THPT Phú Nhuận, TP HCM) cho biết, đề thi năm nay có 80 câu khá dài nhưng không quá khó, nếu nắm vững kiến thức cơ bản có thể đạt điểm khá.

Anh mô tả đề thi có khoảng 2-3 câu "gài" thí sinh, phải nhớ kỹ kiến thức và bình tĩnh mới làm được. "Ví dụ như phần chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống trong đoạn văn, đề cho thí sinh rất nhiều từ gần giống nhau, nếu hấp tấp vội vàng thí sinh sẽ chọn sai đáp án", Anh nói, "ở bài đọc khác, đề ra khá hay và đây lại là một trong những phần mà thí sinh có thể dễ dàng gỡ điểm".

Còn Mai Anh thì cho rằng phần nhấn âm dễ ăn điểm nhất. "Đề thi này kiến thức chủ yếu ở lớp 12, còn dễ hơn cả đề thi thử bọn em làm ở trường trước đó, em nghĩ mình sẽ được 7 điểm trở lên", Anh nói.

Trong khi đó, Lâm Chi Bảo, thí sinh thi vào ngành Marketing ĐH Tài chính - Marketing cho rằng đề thi năm nay có nhiều kiến thức lạ, ngoài việc có vài câu mang tính chất phân loại như bài đọc điền từ, cặp động từ... thì có nhiều từ vựng khoa học, học sinh ít tiếp xúc nên có thể gây khó khăn. Bảo tự tin mình sẽ được khoảng 7 điểm.

Nguyễn Minh Ngọc (thi khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, đề tiếng Anh “dễ thở”. Các kiến thức được ra trong đề đều cơ bản, vừa sức với sĩ tử. Cấu trúc đề không có gì đổi mới, vẫn gồm các dạng bài quen thuộc như: đọc, tìm từ đồng nghĩa, tìm lỗi... Từ mới cũng không quá nhiều.

“Đề tiếng Anh không đánh đố học sinh. Phần bài đọc có vẻ khó nhất vì liên quan kiến thức hóa học”, Ngọc nói và nhận định, với đề tiếng Anh khối A1, các sĩ tử dễ dàng kiếm được điểm 8.

Thầy Nguyễn Thành Sơn, giáo viên môn Hóa, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét, cũng như môn Toán và Lý, đề môn Hóa không có phần tự chọn. 50 câu của đề chia thành hai nhóm với sự khác biệt rõ rệt về mức độ.

Một nửa số câu trong đề thi rất cơ bản như đề thi tốt nghiệp, học sinh trung bình dễ dàng đạt 5 điểm.

Một nửa số câu ở mức độ nâng cao nhằm phân loại học sinh trung bình và học sinh khá. Trong đó có 5 câu khó hơn đề 2013 dành cho học sinh giỏi như câu số 3, 6, 17, 40, 47 mã đề 259. Để giải được những câu này học sinh cần nắm vững bản chất hóa học và có kỹ năng tốt.

Đề có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế - ứng dụng hơn. Có hai câu lạ với học sinh, là câu số 9 và 38 (mã đề 357) yêu cầu học sinh có khả năng đọc đồ thị và nắm vững kiến thức về tính tan trong nước, tỷ khối hơi của chất khí.

"Đề có tính phân loại cao, tạo điều kiện cho các trường cần tuyển những học sinh giỏi. Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu của môn hóa là 6-7, khó đạt được điểm 10", thầy Sơn nhận định.

Thầy Phạm Xuân Hùng, giáo viên môn Tiếng Anh, THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét 50% câu hỏi trong đề hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa, học sinh dễ dàng được khoảng 6 điểm.

Đề bắt đầu khó từ câu 46 khi bài tập không chỉ yêu cầu ngữ pháp mà còn có vốn từ vựng phong phú. Bài tập đọc hiểu là phần hay vì yêu cầu cao về kỹ năng đọc. Học sinh phải biết tổng hợp và phân tích thông tin chứ không đơn thuần là dịch nghĩa. Nhiều câu yêu cầu nhiều về cách diễn đạt theo các cấu trúc khác nhau.


Thí sinh dự thi các khối B, C, D sẽ tiếp tục ứng thí trong các ngày 9 và 10/7. Thí sinh dự thi cao đẳng trong hai ngày 15 và 16/7. Lịch thi như sau:

Ngày 9-10/7 (đợt 2) thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu.

Ngày 15-16/7 thi vào các trường cao đẳng.

Theo VnExpress