Vấn đề đang bị “lãng quên”

Đời sống - Ngày đăng : 07:50, 05/07/2014

(HNM) - Không đóng BHXH, BHYT; hợp đồng lao động bằng miệng; không được trang bị hoặc thiếu ý thức sử dụng thiết bị, phương tiện bảo hộ lao động… là những nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) thiệt thòi, thậm chí có thể phải trả giá đắt khi không may xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ).


Làm việc không bảo hộ lao động

Luật Lao động đã quy định quyền và lợi ích của NLĐ. Tuy nhiên, luật mới chỉ hướng đến những NLĐ chịu sự quản lý của các cấp công đoàn. Trong khi đó, một lực lượng không nhỏ NLĐ đang hằng ngày làm việc tại các cơ sở sản xuất, bán hàng, làm việc trong các xưởng sản xuất, kinh tế hộ gia đình, lao động trong nông nghiệp… không có tổ chức công đoàn chăm lo quyền lợi. NLĐ khi phải đối diện với miếng cơm manh áo, điều quan trọng với họ là có đủ tiền công và lấp chỗ trống cho khoảng thời gian nông nhàn. Thậm chí nhiều NLĐ còn cho rằng đóng BHXH, BHYT khiến họ mất một khoản tiền trong tháng, sẽ mất vài cân gạo cho con cái. Họ cũng cho rằng sử dụng trang bị bảo hộ lao động khiến họ vướng víu, mất thời gian. Do những quan niệm này mà khi TNLĐ xảy ra, họ phải tự trả các chi phí, không có sự trợ giúp nào.

Lao động tự do cần được quan tâm về trang bị BHLĐ cũng như kỹ năng bảo đảm ATLĐ. Ảnh: Lê Tuấn



Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Tự, thợ mộc sinh sống tại một làng nghề ở huyện Thạch Thất, Hà Nội là một ví dụ. Là thợ cả lành nghề, anh Tự nhận được nhiều đơn hàng lẻ. Suốt 20 năm qua, hằng ngày, anh phải mài giũa, đục đẽo gỗ, đánh bóng, phun sơn, bụi trắng xóa đầu. Vì vướng víu anh không đeo khẩu trang, hoặc sử dụng găng tay khi cưa, mài. Anh cho biết, cả làng ai cũng như thế và họ đã quen với môi trường làm việc này.

Mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi buổi chiều, tại các khu vực: cầu vượt Mai Dịch, cầu Trung Hòa, cầu Trung Tự… có hàng chục NLĐ đứng chờ người đến tìm việc. Công việc của họ đa phần là bốc vác, dọn vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng, dọn nhà… Sau khi mặc cả về giá làm thuê, họ theo chân người thuê, không có thỏa thuận nào khác ngoài giá tiền công. Dù là bốc vác hay dọn dẹp vật liệu xây dựng nặng nhọc, NLĐ nữ chỉ có cái mũ và khăn trên vai; NLĐ nam thì đầu trần, dép lê. Tất cả đều làm việc mà không dùng đến bất cứ loại trang thiết bị bảo hộ lao động nào.

Khó kiểm soát lao động tự do

Những NLĐ trên đều làm việc tự do, không có sự bảo trợ của cấp công đoàn, của một cơ quan hay đơn vị nào. Họ làm việc cốt để có thu nhập và hầu như không quan tâm xem đã bảo đảm an toàn lao động hay chưa. Thậm chí, họ rất ít khi đi khám bệnh định kỳ, chỉ khi nào có bệnh, ốm đau mới khám qua loa. Họ cũng không bao giờ nghĩ đến các chế độ mà lẽ ra họ được hưởng…

Nhiều khảo sát, nghiên cứu đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại. Hóa chất độc hại, môi trường làm việc không an toàn… đang là những "gánh nặng" đè lên đời sống, bào mòn sức khỏe của NLĐ, đặc biệt là lao động tự do. Ngay cán bộ phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, tỉnh, thành cũng không biết thống kê và kiểm soát lao động tự do bằng cách nào. Ông Lương Anh Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Trì cho biết, rất khó để thống kê được trên địa bàn huyện có bao nhiêu NLĐ tự do, bao nhiêu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có sử dụng NLĐ. Vì vậy, việc kiểm tra về thực hiện ATLĐ với NLĐ tự do như bán hoa quả, bốc vác, thợ xây, thợ làng nghề… không biết bắt đầu từ đâu.

Đặt vấn đề này với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là không có số liệu nào về lao động tự do. Ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thực tế mới chỉ có quy định và chế tài về thực hiện ATVSLĐ đối với NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp có công đoàn, còn với NLĐ làm việc tự do thì chưa có một cuộc thanh tra nào… Đáng nói là, Luật Lao động cũng chưa có quy định cụ thể về việc thanh kiểm tra đối với đối tượng lao động này.

Kim Vũ