Nhóm khủng bố giàu nhất thế giới

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:39, 05/07/2014

(HNM) - Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) nhanh chóng chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn tại miền bắc và miền trung đang là một thách thức với lực lượng an ninh Iraq và cả các giới chức phương Tây.

Các tay súng ISIL đóng chốt tại một địa điểm bí mật ở tỉnh Nineveh ngày 11/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)



Sự lớn mạnh của ISIL đang khiến dư luận quan tâm đến nguồn gốc của tổ chức khủng bố này. Năm 2006, tổ chức Al-Qaeda ở Iraq được đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI). Khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ, nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho lực lượng này củng cố lực lượng và tăng cường cướp bóc trước khi đổi tên thành ISIL như hiện nay. ISIL tham vọng thiết lập một Nhà nước Hồi giáo trong khu vực, áp đặt luật Hồi giáo Sharia ở những thị trấn mà tổ chức này kiểm soát. Theo luật này, học sinh nam và nữ không được học cùng trường, phụ nữ phải trùm khăn ở những nơi công cộng, tòa án Sharia phải thực thi những điều luật vô cùng khắt khe… ISIL có nhiều cách kiếm tiền khá mạnh bạo, trong đó cướp bóc, tống tiền là nguồn thu quan trọng. Thành viên của ISIL không chỉ tổ chức các vụ cướp ngân hàng, tiệm vàng bạc, trang sức lớn mà thậm chí còn tạo lập một đường dây vận chuyển hàng xuyên quốc gia ở khu vực Trung Đông. Trong các cuộc tấn công khủng bố ở Iraq, ISIL thường xuyên nhắm vào những địa điểm chứa đựng nhiều phương tiện, trang phục và nhất là vũ khí của Mỹ. Vì thế, phần lớn các thành viên của ISIL thường "diện" những bộ quân phục tiêu chuẩn Mỹ. Đặc biệt, trong quá trình chiếm đóng trung tâm dầu mỏ Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh của Iraq hôm 13-6, ISIL đã thu giữ không những rất nhiều thiết bị quân sự của Mỹ mà còn có một lượng tiền mặt lớn trị giá gần 500 triệu USD và vàng khối từ ngân hàng trung ương trong thành phố. Ước tính, lượng tiền bị ISIL chiếm đoạt tương đương với ngân khố của các nước nhỏ như Tonga, Kiribati, các quần đảo Marshall và Falkland. Trong khi đó, Taliban - lực lượng đối lập tại Afghanistan được cho là chỉ sở hữu khoảng 70 đến 400 triệu USD. Lực lượng này còn nhận được tài trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân giàu có ở các quốc gia vùng Vịnh. Bên cạnh đó, buôn lậu dầu mỏ là một nguồn lợi tức quan trọng của ISIL. Các tay súng ISIL đã chiếm hữu một số đường ống dẫn dầu và cơ sở xuất khẩu dầu mỏ ở Iraq cũng như Syria. Tuy nhiên, ISIL vẫn chưa có khả năng tấn công hoặc chiếm giữ giếng dầu lớn của Iraq vốn được chính phủ nước này bảo vệ ở miền nam và người Kurd bảo vệ ở miền bắc. Nếu như ISIL duy trì được quyền kiểm soát các giếng dầu ở miền bắc Iraq, tiềm lực tài chính của tổ chức Hồi giáo cực đoan này sẽ còn tăng thêm nữa.

Theo trang web Mashable, trong hai năm nay, ISIL đã trở nên tinh vi hơn nhiều, đồng thời cho công bố những bản báo cáo hằng năm theo phong cách doanh nghiệp. Trong đó, ISIL khoe khoang về những chiến tích nhằm thu hút các nhà tài trợ và cho thấy sự nhạy bén kỳ lạ đối với việc tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong khi đó, theo trang web The Economist, ISIL có thể có đến 6.000 máy bay chiến đấu ở Iraq và 3.000 - 5.000 chiếc ở Syria. Về lực lượng, tổ chức này có khoảng 3.000 quân chính thức nguồn gốc từ nhiều quốc gia và khoảng 15.000 quân dự bị. ISIL hiện kiểm soát một vùng đất rộng khoảng 90.650km2, bằng diện tích bang Maine (Mỹ) và có quyền cai trị thực tế trên 6 triệu người. Các chuyên gia lo ngại với sức mạnh tài chính của mình, ISIL có thể vươn rộng ra khu vực và trở thành một tổ chức khủng bố có ảnh hưởng toàn cầu.

Kim Phượng