Ưu, nhược điểm của camera IP

Xe++ - Ngày đăng : 06:25, 04/07/2014

(HNM) - Camera IP (Internet protocal) hoạt động trên nền tảng IP, mỗi camera có một địa chỉ IP, có thể hoạt động độc lập hoặc thành một hệ thống, không bị giới hạn về số lượng camera.



Hình ảnh được số hóa, xử lý và mã hóa từ bên trong máy, sau đó truyền tải hình ảnh, tín hiệu số qua một kết nối Ethernet về máy tính hoặc thiết bị lưu trữ tín hiệu số. Bằng cách sử dụng trình duyệt web tiêu chuẩn, khách hàng hoặc người sử dụng có thể xem hình ảnh của camera IP từ xa. Camera IP có tính năng tích hợp âm thanh 2 chiều, có thể đàm thoại 2 chiều. Dòng sản phẩm cao cấp còn có tính năng phát hiện hình ảnh chuyển động phục vụ công tác an ninh, rồi chụp ảnh, gửi email báo cho người quản trị hệ thống.

Camera IP thu được hình ảnh với độ nét cao trong điều kiện ánh sáng tốt, tuy nhiên bị giới hạn bởi tài nguyên mạng, nên người dùng phải chọn lựa giữa tốc độ khung hình và chất lượng hình ảnh. Do hình ảnh được nén trước khi truyền về trung tâm nên sẽ có độ trễ, không thể xem được chất lượng hình ảnh cao nhất và hình ảnh không bảo đảm tính thời gian thực. Lưu lượng tín hiệu IP có thể gặp phải một số vấn đề như: Giới hạn băng thông, tắc nghẽn mạng, kích thước file lớn, cân bằng tải, virus và độ trễ. Nếu mạng có vấn đề dù chỉ trong giây lát, hình ảnh sẽ bị gián đoạn hoặc kém chất lượng.

Camera IP có ưu thế là sử dụng hệ thống dây mạng sẵn có để truyền điện (PoE) phục vụ cho hệ thống camera. Dữ liệu IP có thể được mã hóa nên tiện cho bảo mật, song chính hệ thống mạng lại là đối tượng cho virus và các phần mềm khác tấn công.

Camera IP cần một NVR (máy ghi hình trên nền mạng IP) để giao tiếp với từng camera cụ thể. Mỗi khi muốn lắp đặt một camera mới, cần bảo đảm rằng NVR có hỗ trợ cho camera đó. Một trong những ưu điểm của IP là nếu muốn thêm vào một camera IP mới, chỉ cần cắm vào bất kỳ kết nối mạng nào. Tuy nhiên, hệ thống này đòi hỏi hạ tầng mạng phải mạnh và ổn định.

Hiếu Nhung