Khủng hoảng Ukraine: Nguy cơ bế tắc toàn diện

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 03/07/2014

(HNM) - 10 ngày ngừng bắn ở khu vực miền Đông Ukraine theo lệnh của Tổng thống Petro Poroshenko đã kết thúc đêm 30-6 bằng màn pháo kích và không kích dữ dội của quân đội chính phủ vào các căn cứ của lực lượng dân quân địa phương tại Luhansk và Donetsk.


Tin tức mới nhất tại khu vực chiến sự cho biết, trong ngày 1 và 2-7, đã có 4 dân thường thiệt mạng, 5 người khác bị thương khi một chiếc xe bus bị trúng đạn tại thành phố Kramatorsk thuộc tỉnh Donetsk. Giao tranh còn diễn ra căng thẳng tại làng Karlivka và thị trấn Mariinka. Văn phòng của Tổng thống Ukraine tuyên bố quân đội chính phủ đã giành lại cửa khẩu Dovzgansky tại Luhansk. Tuy nhiên, phần lớn trong số 24 cửa khẩu tại đây hiện vẫn do lực lượng dân quân địa phương kiểm soát.

Thị trấn Slaviansk sau trận pháo kích của quân đội chính phủ Ukraine.



Như vậy, "Phương án A" của Tổng thống P.Poroshenko nhằm mở đường cho một kế hoạch hòa bình đã hoàn toàn thất bại. Song sự thật là dù lệnh ngừng bắn được đưa ra nhưng thực tế chẳng ngày nào giữa hai bên không có tiếng súng. Những gì diễn ra trên thực địa khác hoàn toàn với tiêu chí của một lệnh ngừng bắn đích thực. Hai bên vẫn đấu súng, quân đội Ukraine vẫn pháo kích đều đặn vào các ngôi làng tại cửa ngõ thành phố của người ly khai. Đáp lại, lực lượng ly khai cũng trả miếng đích đáng gây thương vong cho cả hai bên.

"Phương án A" đổ vỡ cũng cho thấy thất bại trong các cuộc đàm phán đa phương giữa các bên liên quan. Mặc dù các ngoại trưởng Nga, Đức, Pháp và Ukraine có kế hoạch gặp nhau ở thủ đô Berlin của Đức trong ngày 2-7 tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc gặp không có mục tiêu rõ ràng, chỉ là cơ hội để thảo luận các nỗ lực tìm kiếm hòa bình và các bên tham gia không kỳ vọng đạt kết quả cụ thể. Bất đồng còn được thể hiện rõ qua cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Mátxcơva muốn hối thúc Mỹ gây sức ép buộc chính quyền Ukraine ngừng chiến dịch quân sự ở miền Đông. Trong khi đó Washington tuyên bố, Mỹ và các đối tác Châu Âu tiếp tục yêu cầu Nga chấm dứt hành động mà họ cho là "cung cấp vũ khí" cho lực lượng tự vệ địa phương ở miền Đông Ukraine, đồng thời có những động thái cụ thể hơn để giám sát biên giới với Ukraine, kêu gọi phe đòi liên bang hóa hạ vũ khí, trao trả các đồn biên phòng đang nắm giữ cho phía chính quyền Ukraine và trao trả số tù binh còn lại.

Xem ra, bạo lực là lựa chọn duy nhất Kiev có thể thực hiện vào lúc này để giải quyết những bất ổn ở miền Đông. Tuy nhiên, đây khó có thể là giải pháp trọn vẹn bởi ròng rã từ cuối tháng 4 đến nay, chiến dịch chống khủng bố của quân đội Ukraine gần như "giậm chân tại chỗ", không đủ lấn át lực lượng ly khai. Nếu chiến dịch được nâng tầm với những vũ khí có tính sát thương cao hơn, thậm chí là hủy diệt sẽ gặp phản ứng mạnh từ Nga. Ngay khi chiến dịch quân sự được nối lại, Mátxcơva đã thẳng thừng tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích và an ninh cho những người mang sắc tộc Nga. Bên cạnh đó, sức ép kinh tế từ phía xứ sở Bạch dương cũng là một bài toán đau đầu với chính quyền non trẻ của ông P.Poroshenko. Ngay sau khi Kiev ký thỏa thuận hợp tác với EU, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vasily Nebenzya đã tuyên bố Mátxcơva có thể xem xét hủy bỏ chế độ thương mại tự do với Ukraine bằng cách tăng thuế nhập khẩu. Động thái này nếu được triển khai sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Ukraine vốn đang lung lay dữ dội vì bất ổn chính trị.

Như vậy, cuộc khủng hoảng tại Ukraine gần như đang lâm vào thế bế tắc toàn diện. Chưa biết đến lúc nào người dân ở quốc gia bên bờ Biển Đen này mới tìm lại được sự ổn định khi sự chia rẽ nội bộ ngày càng gia tăng và cuộc giằng co ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực chưa có dấu hiệu ngã ngũ.

Quỳnh Chi