Gần 20 tỷ đồng xây trường để… bỏ hoang
Giáo dục - Ngày đăng : 07:03, 02/07/2014
Tuy nhiên mới chỉ sử dụng đến năm 2009, nhà trường đã phải vội di dời học sinh đi nơi khác bởi nguy hiểm đến tính mạng. Cũng từ đó đến nay, Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 6, TP Hồ Chí Minh) bỏ hoang, các dãy nhà ở đây sụt lún và có thể sập bất cứ lúc nào.
Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu hư hỏng, hoang hóa. |
Lãng phí nhiều tỷ đồng
Công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu được khởi công ngày 8-8-2003 và nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 1-9-2004, trên khu đất rộng 6.600m2 với 26 phòng học và một số công trình phục vụ giảng dạy, học tập, với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Mặc dù đầu tư hoành tráng như vậy nhưng ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến đây là trường không khác gì "ngôi nhà ma". Từng mảng tường phủ đầy rong rêu, lá cây bao trùm khắp mặt sân trường, cửa sổ từng phòng học lộ rõ sự xuống cấp nghiêm trọng, nền đất bị lún khiến các bậc tam cấp dẫn từ sân vào các hành lang đều bị sụt, phần tiếp giáp giữa sân và nền móng công trình nhiều chỗ bị hở hàm ếch, rộng đến 40-50cm...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thế Mỹ (Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6) cho biết, sau khi đưa vào hoạt động, đến tháng 6-2009, vì các phòng học ở dãy B và C hư hỏng quá nặng, có nguy cơ sụp đổ nên Ban giám hiệu nhà trường đã di dời khẩn cấp 4 lớp học sang học nhờ tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông; đồng thời lập rào chắn, không cho học sinh đến gần khu vực nguy hiểm. Đến ngày 14-5-2010, Sở Xây dựng thành phố đã phải mời các đơn vị liên quan đến khảo sát hiện trạng thì các hạng mục khác của công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng nặng như bậc tam cấp bị nứt tách, lún sụt; một vài cột công trình bị nứt, nghiêng... Cũng từ thời điểm đó, công trình trên bị bỏ hoang đến nay.
Mới đây, tại văn bản số 324/ UBND-QLĐTXDCT của UBND quận 6 về việc thực hiện khắc phục sự cố Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu đã xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Cụ thể, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị gồm: Đơn vị thiết kế là Xí nghiệp Tư vấn thiết kế Bình Phú; đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP; tư vấn giám sát là Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc và xây dựng TP Hồ Chí Minh liên quan đến các nguyên nhân gây lún móng, chất lượng thiết kế thi công chưa bảo đảm, hệ thống cửa đi, cửa sổ lắp đặt chưa đạt yêu cầu; trần mái bê tông cốt thép cục bộ bị võng, nứt, thấm dột… Ông Nguyễn Thế Mỹ cũng thừa nhận, chủ đầu tư (Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 6) cũng có trách nhiệm trong việc quản lý dự án.
Không chỉ buộc khắc phục hậu quả...
Trước tình trạng trên, tháng 12-2012, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã phải vào cuộc làm rõ. Tháng 1-2013, đích thân Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng có thông báo ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc. Căn cứ kết luận thanh tra và chỉ đạo của thành phố, các bên liên quan đã lập tổ công tác khắc phục sự cố Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu và đã thống nhất kinh phí khắc phục sự cố với số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Theo đó, các đơn vị liên quan sẽ chịu trách nhiệm đóng góp theo tỷ lệ: Nhà thầu thi công (45%); tư vấn thiết kế (25%); tư vấn giám sát (25%) và chủ đầu tư (5%).
Từ tháng 6-2013, UBND quận 6 đã có văn bản số 1579/UBND gửi các bên yêu cầu đóng góp tiền theo tỷ lệ trên, chậm nhất ngày 20-6-2014. Nếu quá hạn mà chưa chịu thực hiện thì UBND quận 6 sẽ… chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Thế Mỹ, vẫn còn một đơn vị là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP "chây ỳ", chưa chịu nộp hết kinh phí khắc phục hậu quả.
Do sai phạm của các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát và quản lý… mà công trình trị giá gần 20 tỷ đồng tiền ngân sách bị bỏ hoang phế nhiều năm, gây lãng phí không nhỏ, chưa nói bức xúc của dư luận. Thế nên dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, nếu việc xử lý sai phạm chỉ dừng ở việc yêu cầu các bên bỏ tiền túi khắc phục hậu quả thì chưa thể hiện sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.